Khu Công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. |
Trong 10 năm trở lại đây, 2007 là năm Việt Nam đạt được đỉnh cao mới. Thành công này cũng hứa hẹn cho những đỉnh cao khác trong tương lai. Hội nhập đã đưa VN vươn ra thế giới nhiều hơn và hội nhập cũng kéo thế giới đến với Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta lại thấy 2007 cũng ghi kỷ lục về sự cảnh báo. Ví dụ như lạm phát. Trong 10 năm trở lại đây, mức lạm phát năm nay là cao kỷ lục. Hoặc khoảng cách giữa vốn đầu tư nước ngoài cam kết và thực hiện cũng đạt kỷ lục. Chưa năm nào vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn FDI, vốn ODA, vốn gián tiếp, kiều hối chảy vào Việt Nam nhiều như vậy. Song vốn thực hiện, tuy không thấp hơn so với các năm trước nhưng so với tổng vốn đăng ký vào Việt Nam trong năm nay lại chiếm tỷ lệ rất thấp.
Thứ nhất, kết cấu hạ tầng yếu kém. Nút thắt tăng trưởng đã thể hiện ra rất rõ bằng sự hạn chế và yếu kém của hệ thống giao thông, cảng biển, cung ứng điện và hạ tầng đô thị... Tuy những yếu kém này đang hiện ra là những yếu tố khách quan, song rõ ràng đó là sản phẩm của một quá trình lâu dài chúng ta giải quyết chưa thực sự hợp lý các vấn đề đặt ra ở tầm chiến lược.
Những tồn tại trên, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và bằng sự phân tích các điều kiện và xu hướng cụ thể của nước ta, đáng lẽ chúng ta tính được trước, lường thấy trước để có biện pháp xử lý kịp thời, hữu hiệu. Song, ngay trong năm đầu tiên gia nhập WTO, thực tế lại hiện ra khác hẳn: đối với những cái đã được lường trước và cảnh báo từ rất sớm thì những cải thiện thực tế lại thấp xa mức cần có. Bằng chứng ở trong số giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thấp xa mức kế hoạch. Nhìn rộng ra, có thể nói do công tác dự báo còn yếu nên những phản ứng chính sách còn bị động, mang tính tình thế, cục bộ hơn là có bài bản, hệ thống, trên nền tảng một chiến lược hội nhập tổng thể được thiết kế cẩn thận và hợp lý. Đây là điều cần được đặc biệt lưu ý trong thời gian tới. Cơ chế giải ngân phải quyết liệt để những ách tắc về hạ tầng, những nút thắt về tăng trưởng được giải tỏa không chậm trễ. Nếu không là bỏ lỡ thời cơ.
Thứ hai, là ổn định vĩ mô. Đầu tư là để đạt mức tăng trưởng cao. Nhưng gắn chặt với đầu tư, làm điều kiện để đầu tư hiệu quả là nền kinh tế giữ được ổn định vĩ mô. Nếu chúng ta có một hệ thống thể chế và giải pháp để đảm bảo ổn định vĩ mô tốt thì nền kinh tế có cơ sở để đạt được tăng trưởng cao và bền vững. Năm 2007, chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát cũng cao. Nguyên nhân căn bản hơn cả là năng lực, cách ứng xử chính sách đối với lạm phát trong môi trường hội nhập mới mẻ đó của chúng ta còn nhiều lúng túng, bị động và thiếu bài bản. Có thể nói, thêm một lần, chúng ta phát hiện ra khoảng cách đích thực giữa yêu cầu và năng lực chống lạm phát của chúng ta. Đây là một phát hiện có ý nghĩa của năm đầu gia nhập WTO.
Việc Việt Nam cần làm là đầu tư nhiều cho việc tăng cường năng lực thể chế, ổn định vĩ mô để đạt được cơ chế phản ứng tự nhiên trước những biến động vĩ mô. Phải coi nhiệm vụ này là ưu tiên hàng đầu trong những năm trước mắt. Nó đáng được ưu tiên hơn cả mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao. Nếu xử lý tốt vấn đề ổn định thì chúng ta sẽ đạt được tăng trưởng cao bền vững. Còn nếu dốc sức cho tốc độ tăng trưởng theo kiểu "ăn xổi", "đánh cờ nước một" thì dù có đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 9-10%, thậm chí 11-12%/năm, hiệu quả tăng trưởng khó cao, cơ sở tăng trưởng bền vững bị hủy hoại.
Thứ ba, là năng lực quản trị phát triển trong môi trường hội nhập. Khi hội nhập, Việt Nam đứng trước những điều kiện và nhiệm vụ mới cần tăng cường năng lực quản trị phát triển. Do đó, phải đặt vấn đề cải cách hành chính kết hợp với chiến lược xây dựng năng lực quản trị phát triển cho bộ máy, tức là từ vai trò định hướng sang tạo điều kiện và cưỡng chế thực thi.
Định hướng chiến lược phát triển
Ngoài ba nút thắt lớn nêu trên, còn hai vấn đề chiến lược khác, cũng đã được đặt ra về mặt nguyên tắc nhưng chưa được thực thi đúng như kỳ vọng. Đó là vấn đề phát triển DN Việt Nam và vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
Chương trình phát triển DN Việt Nam, bao gồm cả DN nhà nước và DN tư nhân đã được nêu tại Đại hội Đảng lần thứ X. Mục tiêu của chương trình là tạo động lực mạnh, thúc đẩy sự phát triển nhanh của DN Việt Nam, kéo các DN Việt Nam vào quỹ đạo hội nhập quốc tế một cách hiệu quả. Nhưng chương trình này chỉ có thể thực thi khi chúng ta xây dựng được một lộ trình hành động phù hợp, theo một định hướng xuyên suốt là xây dựng và phát triển trục kết nối và liên kết phát triển của các DN Việt Nam với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Tiếp theo là vấn đề nguồn nhân lực. Ngoài sự yếu kém của nguồn lực vật chất (kết cấu hạ tầng, máy móc thiết bị) thì yếu tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam còn quá thiếu và yếu. Muốn giải quyết tốt vấn đề này, Việt Nam cần thiết kế một chương trình thích hợp để bù đắp những thiếu hụt của thị trường lao động. Cần có một chương trình hành động, trong đó, Nhà nước cùng với DN cùng tham gia giải quyết vấn đề này, đưa ra những cơ chế thông thoáng, huy động mọi thành phần tham gia đào tạo nguồn nhân lực, coi cung ứng nguồn nhân lực như cung ứng đầu vào cho sản xuất ngay từ bây giờ để tận dụng cơ hội ngay trong những năm tới.
Nhìn lại những thành công và tồn tại trong năm qua, chúng ta có thể thấy xu thế và triển vọng năm 2008 là sáng sủa. Tất nhiên, vẫn còn những thăng trầm khó khăn, giống như những đường zik zak trên con đường đi lên. Tuy vậy, cuối năm 2007, Chính phủ đã đặt quyết tâm rất cao, cùng với một chương trình hành động quyết liệt. Cộng với khí thế phát triển của DN trong nước và niềm tin của giới đầu tư quốc tế, chúng ta có thể hi vọng và tin tưởng vào khả năng cất cánh chắc chắn của nền kinh tế trong năm tới.
Nền kinh tế bước vào hội nhập, bên cạnh thành tích tăng trưởng - vốn kết quả phấn đấu của nhiều năm trở lại đây, thì những dấu hiệu cảnh báo lại nói lên những vấn đề khác thuộc về tương lai. Chúng hé mở tầm nhìn cho tương lai dài hạn của kinh tế Việt Nam là sẽ phải đương đầu với những cản trở, thách thức lớn.
Năm 2008, câu chuyện cải cách hành chính chắc sẽ được thực hiện triệt để hơn. Song cải cách hành chính chưa phải là tất cả. Năng lực chính phủ còn nhiều vấn đề khác như cơ chế, bộ máy, con người...
|