Nếu giới nghệ sĩ thường bị rắc rối chuyện đời tư, thì Hà lại khéo léo vun vén được một gia đình yên ấm.
- Nhiều người nói chị có sự tỉnh táo hơi bị “thừa” so với một nghệ sĩ. Đó là điểm yếu hay mạnh của Hà Trần?
- Tuổi Đinh Tỵ thường có trực giác đặc biệt và họ chỉ tin vào bản thân. Chưa đi đã biết cuối con đường có cái gì đang chờ mình, như thế đúng là làm mất hứng thú rất nhiều. Tối đã hết tuổi mơ mộng. Trước bất cứ sự vật, hiện tượng gì tôi chỉ muốn tìm đến bản chất, đến khi nhìn được cái lõi thì thường rất chán. Nhưng tôi vẫn thấy rằng tỉnh táo là quà tặng Trời cho mình.
- Khi một người nổi tiếng bảo rằng họ không quan tâm đến danh tiếng, thường khó tin!
- Thẳng thắn mà nói thì tôi thích quyền lợi do sự nổi tiếng mang lại, nhưng coi thường nó vì tôi là nạn nhân sống trong gia đình nhiều người nổi tiếng – tuổi thơ tôi đã bị mất mát và bất thường. Xây dựng danh tiếng theo cách nào đó giống như ta xây một cái phòng giam chính mình. Bởi đã nổi tiếng thì luôn phải diễn cho hình ảnh lấp lánh giả tạo của mình.
Tôi thấy chuyện danh tiếng là phù phiếm, đời sống như những lớp sóng cứ gối lên nhau, mọi thành quả hay danh vọng đều có thể bị lãng quên bởi những thành quả, danh vọng mới. Tôi cố gắng khi rời sân khấu, mình được là mình, không phải diễn ở ngoài đời nữa.
- Vậy trong cuộc sống, đích đến mà chị hướng tới là gì?
- Mất mẹ sớm, tôi lớn lên với cảm giác thường trực là mình bị lạnh và đơn độc. Nên, giờ tôi chỉ quan tâm đến việc tồn tại của tôi sao cho có tác dụng giữ ấm cho những người thân yêu. Đó là điều hệ trọng nhất trong cuộc sống của tôi.
- Còn âm nhạc thì sao? Hình như ở vị trí của chị, làm gì cũng thường được gắn với sứ mệnh “đóng góp gì đó cho nhạc Việt”?
- Khi làm nhạc, tôi không nghĩ đến người khác mà làm cho mình tôi, mục đích rất ích kỷ. Tôi không tin những người đứng trên sân khấu nói là họ hát cho đám đông phía dưới mà ọ có thể hát hay được. Tôi chỉ tin những người làm nghệ thuật cho chính mình, thực thà vì mình. Hiện giờ tôi không thích hát nữa, hát để lấy tiền thì quá đơn giản vì đó là nghề kiếm sống của tôi rồi. Có rất nhiều người rất tài, nhưng họ hết hấp lực với tôi, âm nhạc của họ không quyến rũ tôi nữa.
- Một ca sĩ không còn muốn hát, có phải là bi kịch?
- Tại sao lại là bi kịch? Từ xưa tôi vẫn chỉ dùng giọng hát làm phương tiện bày tỏ cái tôi, trí tuệ và tâm hồn của mình. Bây giờ tôi không phải dùng đến phương tiện ấy, có nghĩa là được giải phóng – vậy phải tốt hơn chứ!
- Việc chị đi hát nhạc xưa ở hải ngoại, trên thực tế có chút hứng thú nào không hay chỉ kiếm sống?
- 80% là kiếm tiền, 20% là hứng thú. Tôi thấy sự hưởng ứng lắng nghe tôn trọng của khá giả ở dưới – điều đó giữ cho tôi hứng thú. Công nghệ biểu diễn và quy trình làm việc chuyên nghiệp ở hải ngoại cũng tạo ham thích cho tôi. Nhưng, âm nhạc ở đó thì tôi thấy mình không liên quan.
- Đối thoại 06 đã ra được 2 năm, vẫn chưa thấy chị bắt đầu dự án mới. Phải chăng việc “mất hứng” hát làm chị trì hoãn?
- Tôi đã có đủ tư liệu làm 3 album nữa, nhưng tôi không quan trọng chuyện phát hành nữa. Lúc nào ra mắt tôi vẫn chưa định trước. Thời điểm tôi đưa ra dự án mới không nương theo các trào lưu của thị trường. Tôi nghĩ đến chuyện bán hàng mà gây ảnh hưởng, chứ không đơn giản chỉ thu tiền.
Tôi sẽ cộng tác với một cậu trai trẻ vô danh viết nhạc – đó là người duy nhất tôi muốn hát bây giờ. Khi cậu ấy đến tìm tôi, nhất mực muốn tôi hát. Tôi nghe thấy thích ngay và quyết định làm đĩa. Tôi cũng đã có điều kiện là nếu cộng tác với tôi thì không được sốt ruột, không nóng vội về thời gian. Khi thấy thời điểm phù hợp thì tôi mới làm. Cậu ấy nhiều năm nay giữ lời, từ chối ngay cả với các ca sĩ có tiếng khác xin bài. Việc không sốt ruột với tiếng tăm của cậu ấy khiến tôi rất nể trọng. Tôi tìm thấy ở cậu ấy suy nghĩ đồng điệu: âm nhạc một người trẻ rất Việt Nam nhưng hiện đại.
- Chị thấy “rất Việt Nam” là hiếm ư?
- Hiếm chứ. Hồn Việt không phải là í à ối a, hát kiểu nảy hạt, chêm dăm làn điệu, mặc áo thổ cẩm, đưa chuồn chuồn, nón, đình, lúa khoai vào ca từ. Tôi có thể ví dụ nhạc Ngọc Đại là hồn Việt, nó không có gì gồng, không phải thêm các “phụ gia dân tộc” vào. Âm nhạc của Ngọc Đại dù nghe có hỗn mang, nhưng vẫn ra ngay đó đích thị là người Việt Nam. Nghe các nhạc sĩ “dân gian đương đại”, tôi lại thấy giả tạo.
Trong những dự án ấp ủ của mình, tôi còn muốn thực hiện một đĩa nhạc dân ca – văn minh và rất Việt Nam nhưng các cộng sự bên Mỹ không có trải nghiệm để hiểu được tinh thần dân ca Việt Nam.
Tôi muốn họ phải về sống ở đây, ngấm được mùi vị dân gian Việt Nam – lúc đó mới bắt tay vào làm. Đó là kế hoạch lâu dài, vì khá cồng kềnh. Trước mắt, tôi làm một album cho trẻ con, có lẽ vì đến tuổi mong được làm mẹ, tôi muốn làm một đĩa nhạc cho những đứa trẻ trong gia đình tôi nghe.
- Cảm ơn chị về cuộc chuyện trò này.!
Theo Phụ Nữ