Các ngân hàng... nhìn nhau dè chừng
Ngày 14.4, Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP.HCM (VCB-HCM) đã chính thức tăng lãi suất (LS) huy động tiền đồng đối với khách hàng cá nhân và tổ chức với mức tăng từ 0,06% - 0,66%/năm. Theo đó LS huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng là 10,5%/năm; kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng là 11%/năm. Kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng có mức tăng LS cao nhất tương đương 0,66%/năm và 0,54%/năm. Với mức LS mới này, VCB-HCM đã đụng trần LS mà Hiệp hội ngân hàng đề ra.
Đại diện nhiều ngân hàng khác cho biết việc VCB-HCM tăng LS khiến họ đang phải tính toán lại LS huy động hiện nay. Phó giám đốc một ngân hàng quốc doanh cho biết sau khi nguồn vốn gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh được rút về Ngân hàng Nhà nước (tổng nguồn vốn của Kho bạc gửi ở các ngân hàng quốc doanh khoảng 52.000 tỉ đồng - PV), ngân hàng này đã thiếu vốn cho phần dự trữ bắt buộc và đây là một áp lực khiến ngân hàng này phải cân nhắc chuyện LS.
"Khi ngân hàng quốc doanh tăng LS huy động tiền đồng thì các ngân hàng cổ phần tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Bởi cùng một mức LS huy động, nhiều khách hàng có xu hướng chọn ngân hàng quốc doanh gửi tiền", Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP.HCM cho biết. Vị tổng giám đốc này ủng hộ việc Thủ tướng Chính phủ bỏ trần LS huy động để LS vận hành theo thị trường. Hiện nay LS trên thị trường liên ngân hàng lên đến 15%/năm, trong khi trần LS do Ngân hàng Nhà nước thông báo tại công văn số 02 là 12%/năm, trần LS theo thỏa thuận do Hiệp hội Ngân hàng đưa ra là 11%/năm là chưa hợp lý. "Chúng tôi đang xem xét tăng LS huy động bởi gần 3 tháng nay, ngân hàng không cho vay ra được bởi nguồn vốn huy động thấp và không ổn định", vị tổng giám đốc này cho hay.
Băn khoăn với trần lãi suất
Ông Võ Văn Châu - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - thì cho biết hiện các ngân hàng đang bối rối vì không biết thực hiện vấn đề LS huy động như thế nào. Thủ tướng đã chỉ đạo bỏ trần LS nhưng Ngân hàng Nhà nước lại chưa có hướng dẫn gì. Khi trần LS bị phá vỡ thì tất nhiên sẽ xảy ra hiệu ứng đômino, các ngân hàng sẽ buộc phải tăng LS để giữ khách hàng và cuộc đua LS sẽ tái diễn. "Vừa qua, LS huy động của các ngân hàng bị nén lại thì sắp tới nó sẽ như chiếc "lò xo" bung ra mạnh hơn. Trong điều kiện thị trường hiện nay, LS huy động của các ngân hàng mà giảm sẽ là "thảm họa" bởi người dân không đem tiền đi gửi mà quay sang mua hàng hóa dự trữ", Tổng giám đốc ngân hàng cổ phần có quy mô lớn tại TP.HCM (xin giấu tên) lo lắng. Một số ngân hàng cổ phần khác cho biết đang chờ xem động tĩnh của các ngân hàng khác như thế nào, khách hàng có rút tiền chuyển sang các ngân hàng có LS cao hay không để có phản ứng kịp thời về LS.
Theo ông Võ Văn Châu, khi LS huy động được bung ra sẽ dẫn đến LS cho vay bị đẩy lên cao, nếu LS cho vay vượt qua mức 20%/năm, nhiều khách hàng không trả được nợ vay. Đây là giai đoạn khó khăn của các ngân hàng. "Việc LS cho vay tăng cao là cái giá phải trả cho tình hình tăng trưởng quá nhanh trong thời gian qua. Thời điểm này là giai đoạn sống còn của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp dùng vốn vay của ngân hàng để sản xuất sẽ khó tồn tại trong tình hình thị trường hiện nay nếu không tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm", Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định.
Theo Thanh Niên