Chuyện… mở đường
Hiện nay, “dân trong nghề” đã quá quen với các trang web vietnamwebsite.com, muabanvn.com, chodientu.com… Tại đây người bán đăng những thông tin, hình ảnh, giá cả về hàng hóa cần bán. Người mua có thể xem, bình luận và cũng có thể kỳ kèo, ngã giá cho những sản phẩm ưng ý. Tuy xuất phát muộn nhưng đáng mừng là TMĐT đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ hình thức B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp (DN) với người tiêu dùng), mà hình thức B2B (giao dịch giữa DN với DN) cũng nhanh chóng được các DN sử dụng với tính pháp lý và độ bảo đảm hàng hóa cao hơn.
Theo khảo sát của Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin, 37% DN đã có thu từ các đơn hàng qua TMĐT, ở mức 15% so với tổng doanh thu; 63% DN tin rằng doanh thu từ các đơn hàng sử dụng phương tiện điện tử sẽ tiếp tục tăng; 50% DN đầu tư trên 5% tổng chi phí hoạt động cho TMĐT; 38% DN có trang web riêng, 10% tham gia sàn giao dịch trực tuyến (e-marketplace), 97% DN kết nối Internet ADSL (3% còn lại sử dụng những phương thức “cao cấp” hơn như đường truyền trực tiếp…). Trong số những DN tham gia sàn giao dịch TMĐT, có DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu trị giá 9,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo những người trong cuộc thì hình thức mua bán này còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay, nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng các diễn đàn rao vặt uy tín để “treo đầu dê bán thịt chó”, chụp hình đăng tin rao bán hàng chính hãng và tung lên các mục rao vặt với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, nhưng thực chất là hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Nguy cơ rò rỉ thông tin cũng đang là vấn đề báo động trong TMĐT. Ông Dương Hoàng Minh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin từng công bố: chỉ có 26% trang web công bố chính sách bảo vệ thông tin khách hàng. Vì vậy, giao dịch TMĐT tại VN đã xảy ra một số vụ vi phạm liên quan đến việc tiết lộ thông tin cá nhân, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như vụ ăn cắp thông tin thẻ tín dụng để mua vé máy bay của Tiger Airways; ăn cắp tài khoản thẻ tín dụng để mua hàng qua mạng với tổng trị giá lên đến 440 triệu đồng… Trong khi đó mức xử phạt vi phạm liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân quá nhẹ, chưa đủ răn đe.
Với những bất lợi như vậy, một số người không khỏi e ngại, các cổng thông tin TMĐT nội địa sẽ nhanh chóng bị các đại gia TMĐT trên thế giới “bóp” chết. Điển hình nhất là sau khi eBay chính thức thành lập đại lý tại VN, đến nay số người tham gia giao dịch tại eBay đã tăng đáng kể, với khoảng 20.000 mặt hàng được đưa lên. Tuy nhiên, khả năng hút thị trường của eBay dường như là một cú “hích” đối với các cổng thông tin TMĐT trong nước. Nhờ hệ thống này, hy vọng hạ tầng công nghệ, việc phối hợp giữa siêu thị và ngân hàng để hệ thống thanh toán được “bôi trơn” và cơ chế pháp lý điện tử (xác thực về giao dịch điện tử, xác thực về chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử...) được thúc đẩy để người tham gia giao dịch điện tử có thể tiện lợi trong mua bán, từ đó đẩy mạnh TMĐT Việt Nam.
Chưa hết rào cản
Tuy nhiên, vấn đề nhận thức mới là rào cản lớn nhất của TMĐT VN. Nó tồn tại không chỉ trong tư duy của người tiêu dùng bình dân, mà của cả một số cơ quan quản lý. Một câu chuyện có thật về một DN ở Đà Nẵng từng phải “kêu cứu” Cục TMĐT & CNTT (Bộ Công thương) về việc DN này đầu tư làm siêu thị trực tuyến và trưng dòng chữ “siêu thị trực tuyến” trên biển hiệu công ty. Thế nhưng Sở Thương mại kiên quyết không cho phép ghi như vậy với lý do DN không đáp ứng đủ yêu cầu của Quy chế về quản lý chợ siêu thị (theo đó, muốn trở thành siêu thị thì phải có mặt bằng diện tích rộng khoảng nghìn m2 trở lên…).
Một khó khăn khác đòi hỏi sự nỗ lực tháo gỡ từ chính các DN làm TMĐT ở VN, đó là việc xây dựng và củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Trên thực tế, không ít trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” – DN TMĐT gian lận trong bán hàng đã khiến lòng tin của người tiêu dùng, đang không ổn định lại càng lung lay. Ngoài ra, văn hóa mua hàng “trăm thấy không bằng một sờ” của người tiêu dùng VN có lẽ phải mất một thời gian khá lâu nữa mới có thể thay đổi theo xu thế mua bán hiện đại của thế giới. n
Anh Minh