📞

Công ty Australia tham vọng 'trú chân' lâu dài ở cửa ngõ hàng hải vào Biển Đông

Chu An 16:45 | 06/05/2021
Ngày 6/5, tờ ABC của Australia đưa tin, công ty đóng tàu Austal, có trụ sở tại thành phố Perth (bang Tây Australia) đang tìm kiếm việc đảm bảo vị trí tuyến đầu chiến lược thông qua việc thuê cảng biển tại Philippines, vốn có vai trò là cửa ngõ hàng hải vào Biển Đông.
Các tàu chiến của Australia và Mỹ vẫn thường xuyên ghé cảng ở Vịnh Subic, vốn đóng vai trò là cửa ngõ hàng hải vào Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Trong một cuộc họp báo, Đại sứ Australia tại Philippines Steve Robinson cũng đã xác nhận Austal đang chuẩn bị tiếp nhận nhà máy đóng tàu Hanjin ở khu vực chiến lược quan trọng Vịnh Subic, phía Tây tỉnh Zambales của Philippines, cách cửa vịnh Manila 55 km về phía Tây Bắc.

Đại sứ Steve Robinson nói: "Tôi hy vọng đạt được tiến bộ trong một hoặc hai tháng tới, khi các cuộc đàm phán hoàn tất. Điều này sẽ giúp Austal mở rộng hơn nữa ở Philippines".

Nhà nghiên cứu Peter Jennings thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia đã lên tiếng hoan nghênh hành động của Austal tham gia đấu thầu nhà máy đóng tàu Hanjin này.

Trả lời phỏng vấn ABC, ông Jennings khẳng định: "Khi chuyển đến Vịnh Subic, Austal sẽ không thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự nào của chính phủ Australia, mà đơn giản chỉ là nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích kinh doanh và kỹ thuật, cũng như vận hành cảng này một cách hiệu quả".

Tuy nhiên, công ty Austal từ chối bình luận về vụ đấu thầu này, nhưng cho biết, đang đánh giá các cơ hội để mở rộng hoạt động hơn nữa nếu chúng phù hợp với chiến lược tăng trưởng của công ty này.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hồi tuần trước, Austal thông báo họ đã bắt đầu đàm phán để bán 40% cổ phần của mình trong một liên doanh được thành lập cách đây 5 năm cùng với doanh nghiệp đóng tàu của Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang xấu đi.

Bến cảng ở Vịnh Subic, từng được gọi là Căn cứ Hải quân Vịnh Subic, là nơi sinh sống của hàng nghìn thủy thủ Mỹ cùng gia đình trước khi Hải quân Mỹ rời khỏi đây vào năm 1992.

Mặc dù vậy, các tàu chiến của Australia và Mỹ vẫn thường xuyên ghé thăm cảng này và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng đã đổ bộ để tập trận trên bãi biển gần đó.

Vào năm 2019, hai công ty Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến Vịnh Subic, nhưng giá thầu của Austal - với sự hỗ trợ bởi các lợi ích của Mỹ - từ lâu đã được coi là đối thủ nặng ký nhất.

Trong vài năm gần đây, tầm quan trọng của Vịnh Subic đang tăng lên đáng kể, với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

(theo ABC News)