Tuy nhiên sau đó bộ này lại công bố tổng vốn FDI giải ngân năm 2007 đã đạt hơn 8 tỉ USD. Sai biệt đến 4 tỉ USD đã gây bất ngờ cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, đặc biệt là về thâm hụt thương mại và chính sách tỉ giá.
Với con số vốn FDI giải ngân chỉ có 4,6 tỉ USD trong bối cảnh thâm hụt thương mại (chi ngoại tệ cho nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) năm 2007 lên đến 14 tỉ USD là đáng lo ngại. Thế nhưng, nếu giải ngân vốn FDI là hơn 8 tỉ USD thì tình hình không quá căng thẳng. Con số 14 tỉ USD này đã được bù bằng nguồn vốn ngoại tệ khá ổn định gồm 6 tỉ USD kiều hối và 8 tỉ USD vốn FDI. Phần vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn lại có thể xem là thặng dư nhằm tạo cân bằng cho cán cân thanh toán.
Theo một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, việc đưa con số 4,6 tỉ USD vào để hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đã dấy lên nỗi lo về thâm hụt thương mại có thể là "bom nổ chậm". Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu không đủ bù cho nhập khẩu. Số thiếu hụt được bù đắp từ kiều hối và giải ngân vốn đầu tư FDI vẫn chưa đủ, phải trông chờ vào nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Mà nguồn vốn này thuộc dạng ngắn hạn, có vào có ra, nếu nhà đầu tư đồng loạt rút vốn sẽ gây áp lực rất lớn lên tỉ giá và hệ thống tài chính. Vì vậy không nên bù đắp thâm hụt thương mại bằng nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Thay vào đó phải kiểm soát nhập khẩu, điều chỉnh tỉ giá... Thực tế hàng loạt chính sách nhằm khắc phục thâm hụt thương mại gần đây của Chính phủ là rất mạnh tay, trong đó có tỉ giá hối đoái...
Cũng theo vị chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, với số liệu mới công bố, thâm hụt thương mại không còn là vấn đề quá cấp bách và trong năm 2008 có thể giảm thâm hụt thương mại theo lộ trình. Chính sách tỉ giá cũng có thể nới lỏng để có thể khuyến khích xuất khẩu, giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp. Như vậy, từ số liệu không chính xác đã dẫn đến việc bốc thuốc quá tay.
Có thể điều chỉnh các số liệu thống kê nhưng hai con số mà Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố về giải ngân vốn FDI có sai biệt quá lớn. Việc này ảnh hưởng lớn đến khả năng phân tích và dự báo kinh tế.
Nhiều chuyên gia phân tích nước ngoài cho rằng hệ thống thông tin kinh tế ở VN còn rất yếu. Trong các bảng thống kê và phân tích kinh tế của ASEAN, phần về VN thường bỏ trống vì không có thông tin để cập nhật. Nhưng dường như các bộ, ngành chưa quan tâm đến công tác thống kê, dự báo. Dự báo yếu dẫn đến xây dựng và ban hành chính sách không kịp thời, thiếu sát thực tế, quá liều lượng hoặc thậm chí là sai...
Theo Tuổi Trẻ