1. HLV là một nghề đặc trưng "gừng càng già càng cay". Nhưng ở V-League, chất gừng ấy dường như đã "cay" quá ngưỡng rồi, đã có phần lão hoá rồi, mà một chu kỳ sản sinh ra gừng mới dường như vẫn chưa thực sự bắt đầu.
Nhìn lại thế hệ cầm quân ngày V-League còn "hàn vi" để so sánh với hiện tại, rõ ràng bóng đá Việt Nam đã phải chia tay với khá nhiều cây đa cây đề. HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã lui về ở ẩn, Nguyễn Văn Nhã vui với đời sống du nhàn, Nguyễn Văn Vinh vẫn ở HA.GL nhưng ông đã chủ động lùi ra phía sau cánh gà, Nguyễn Thành Vinh còn chưa kịp hồi sức sau những tháng ngày bi ai...
Quanh đi quẩn lại, sáng nhất ở V-League giờ vẫn là những cái tên như Lê Thuỵ Hải, Vương Tiến Dũng hay Trần Văn Phúc... Nhưng công bằng mà nói, tuổi tác là một chất bào mòn ghê gớm, nó làm ảnh hưởng đáng kể đến những phẩm chất của họ.
"Tướng" Dũng đang rất thành công ở Hải Phòng, nhưng không ít người vẫn nghĩ ngoài kinh nghiệm, ngoài ý chí, ông còn được nhiều yếu tố khách quan ủng hộ như lực lượng tốt, đãi ngộ tốt... Vậy mà vẫn có những trận đấu ông bị mất điểm vì sự rụt rè, vì sự cẩn trọng quá mức - tính khí của... người già.
Ông Hải "lơ" thì lại khác. Về chuyên môn, ông được kính nể. Nhưng về tính cách, đôi khi người ngoài nhìn vào lại không "sướng" với ông. Nhiều lần họ bảo ông "cương" theo cái kiểu "trái tính trái nết" và nóng nảy theo cái kiểu... cùn.
Ông Phúc thường có cái hay là cầm các đội yếu, đá... không cần bài gì cả, miễn là phá đối phương. Ở V-League, võ của ông Phúc "kiềng" không phải không còn đất diễn, bởi có mấy đội bóng đủ thực tài để bắt đối thủ phải mướt mồ hôi chạy theo mình đâu?
Thế nên dù rất được giới chuyên môn trọng vọng, nhưng các HLV thuộc hàng "bô lão" này vẫn không hề được tín nhiệm ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN. Ngay cả khi VFF lâm vào bước đường cùng trong việc tuyển chọn thuyền trưởng ngoại thì những phương án "thầy nội" vẫn chỉ được đứng hàng sau chót, và thực tế là không có chút khả thi nào.
Lớp cựu trào đã vậy, nhưng lớp trẻ mới nổi lên cũng chưa xuất hiện khuôn dung nào đáng kể. Đặng Trần Chỉnh sau một thời gian lèo lái TMN.CSG khá mát tay cũng phải nói lời tạm biệt, và nay đã lùi về hạng Nhì. (Dân trong nghề bảo rằng ông Chỉnh khó mà làm lớn được nếu cứ mãi bám lấy triết lý phòng ngự phản công đôi khi trở thành phòng ngự tiêu cực).
Cũng ở Thép Cảng, Võ Hoàng Bửu lướt qua như một cái bóng mờ. Sau đó là Lư Đình Tuấn, người đã đưa Thép Cảng lên thành một hiện tượng ở đầu mùa năm nay. Tuy nhiên, nếu một đội bóng chỉ được coi là hiện tượng thì người cầm quân của nó chắc chắn vẫn còn phải chứng tỏ nhiều.
Cũng như vậy là trường hợp của Hoàng Anh Tuấn (Khánh Hoà) hay Hoàng Văn Phúc (HN.ACB). Họ không phải là không có tài năng, nhưng vì những lý do khác nhau, họ chưa đủ điều kiện để khẳng định mình như một "thương hiệu" trong làng bóng.
"Thế hệ vàng" cũng nhiều người tái xuất trong vai trò huấn luyện. Công Minh, Văn Sỹ, Sỹ Hùng, Quang Hà, rồi Huỳnh Đức, nhưng thành công với chiếc sa bàn trên tay hoàn toàn khác thành công khi xỏ giày đá bóng.
V-League đang trẻ hoá lực lượng cầm quân, song trong một tương lai gần, chúng ta vẫn chưa thể đặt vận mệnh cả ĐTQG vào tay họ được. Vì thế mà trong 8 năm làm V-League, bóng đá Việt Nam vẫn luôn phải cầu viện đến những Riedl, Tavares hay Calisto.
2. Vua áo đen - là một phần không thể thiếu của bóng đá - nhưng chưa bao giờ được... hoan nghênh trên các sân cỏ Việt Nam. Trong 8 năm qua, niềm tin dành cho giới trọng tài lúc trồi lúc sụt, nhưng tựu trung lại là: không trọn vẹn!
Sẽ là bất công nếu phủ nhận nỗ lực của đội ngũ trọng tài, nhưng ác thay, tên tuổi họ luôn bị đính kèm những "scandal" động trời. Trước khi V-League ra đời, có những trọng tài "danh nổi như phao" về mặt trình độ, nhưng cũng lừng lẫy giang hồ bởi khả năng "đi xuyên màn đêm".
Rồi mùa V-League nào cũng thế, BTC năm này qua năm khác tổng kết công tác trọng tài dường như luôn tuân thủ cái form "có cố gắng... nhưng không tránh khỏi những sai sót...., v.v và v.v....". Các đội bóng biết đấy, nhưng gật đầu sống chung với cả mặt trái của giới trọng tài. Người hâm mộ thì hoang mang giữa ranh giới biết và không biết, còn người làm bóng đá lại quay cuồng với câu hỏi muôn đời "chứng cứ đâu".
Thì đây, vụ hối lộ trọng tài, dàn xếp tỷ số năm 2005 được đưa ra ánh sáng. Nhưng khi đó, nhìn từ góc độ xã hội thì đó lại là những tội lỗi có phần đáng thương và... nhỏ nhoi, còn đứng ở góc độ bóng đá thì đó lại là mở màn cho một chu kỳ khủng hoảng lực lượng cầm còi.
Sau cơn chấn động, có cảm giác rằng công tác trọng tài đã "sạch" hơn. Nhưng cái sạch lại đi liền với những lối hành xử khiên cưỡng, cứng nhắc, và không thể không nói đến những tiếng còi lệch lạc chỉ đơn thuần vì yếu chuyên môn.
Nghề trọng tài không phải là mảnh đất dành cho những cái đầu non bản lĩnh. Có rất nhiều Vua sân cỏ bất đắc dĩ bị đôn lên V-League, choáng ngợp trước khán giả, hoa mắt trước cầu thủ hai đội và... khiếp vía với chính giám sát của nhà mình ngồi trên khán đài.
Bây giờ, kể tên trọng tài nào ra là y như rằng trọng tài đó có "phốt", không với đội này thì đội kia, không ở sân này thì sân kia. Dương Văn Hiền từng bị HP.HN "cạch mặt". Đỗ Quốc Hoài va chạm với Công Vinh. Đẳng cấp FIFA như Võ Minh Trí mà cũng điêu đứng trên sân Thanh Hoá...
Đáng buồn là ngay trong giới trọng tài với nhau cũng xuất hiện nhiều chuyện ì xèo. "Còi vàng" đầy tâm huyết như Dương Mạnh Hùng thì không được tạo điều kiện làm việc, trong khi những còi bạc, còi đồng khác liệu đã làm đúng chức trách của mình???
Đã từng có ý kiến cho rằng V-League nên bỏ ra một khoản tiền thuê trọng tài ngoại, để tìm sự công bằng. Tất nhiên là ít người làm bóng đá Việt Nam đồng thuận, nhưng trước thực trạng của công tác trọng tài ở Việt Nam, điều này đâu phải là không có lý!
Theo VNN