3 thách thức lớn
Thách thức thứ nhất đối với nền kinh tế thế giới năm nay là giá dầu đã tăng gấp đôi trong năm 2007, tăng tới 500% trong 5 năm qua và suýt vượt ngưỡng 100 USD/1 thùng. Nguyên nhân chính của đợt leo thang này trước hết là do đồng USD yếu, bởi vì dầu lửa chủ yếu được giao dịch bằng USD và người bán bao giờ cũng muốn có giá cao hơn. Lý do tiếp theo là do nguồn dự trữ ở Mỹ bị giảm sút, bạo lực ở Nigeria, vấn đề hạt nhân ở Iran và sự căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân nổi dậy người Kurd ở miền Bắc Iraq. Nguyên nhân tăng giá còn do các nước OPEC chưa có ý định tăng lượng khai thác dầu.
Thách thức thứ hai có tác động lan truyền rất nhanh là kể từ mùa Xuân năm nay kinh tế thế giới bị áp lực trước cuộc khủng hoảng nợ tín dụng mạo hiểm ở Mỹ. Tình trạng vỡ nợ vì thế chấp ban đầu quá cao và những khoản cho vay mua nhà với lãi suất có thể điều chỉnh được dành cho những người không đủ khả năng tài chính đã tăng từ từ trong vài năm trở lại đây, và đến mùa Hè năm nay đã tăng vọt lên 93%. Mở màn cho hàng loạt vụ phá sản của các công ty thế chấp là vào tháng 4, Tập đoàn tài chính New Century, một trong số những chủ nợ lớn nhất ở Mỹ đã phá sản. Các ngân hàng trên toàn thế giới có tiền trong các tập đoàn dạng này nhận ra, rất nhiều khoản đầu tư của họ đã trở thành vô giá trị. Khủng hoảng đã tràn sang châu Âu hồi tháng 8 sau khi có tin ngân hàng lớn nhất của Pháp là BNP Paribas đã đóng băng 3 quỹ đầu tư vào thị trường nhà đất ở Mỹ. Tiếp đó là việc tăng lãi suất tại thị trường tiền tệ châu Âu và hàng loạt cổ phiếu rớt giá. Nhờ các ngân hàng trung ương can thiệp bằng cách bơm tiền ra thị trường thông qua các khoản vay ngắn hạn nên nền kinh tế không bị chao đảo. Trong khi đó, chỉ số Dow-Jone năm nay đã nhiều lần vượt qua giới hạn tâm lý. Cùng với đó, một số ngân hàng như UBS và Merrill Lynch đã chịu nhiều tổn thất trong quý III làm cho một số thủ lĩnh ngân hàng như Merrill hoặc Citigroup bị mất ghế. Người ta ước tính, số lượng mất mát của ngân hàng lên đến 400 tỷ USD. Chính quyền Bush mới đây đã ra một chính sách đóng băng tài sản thế chấp trong vòng 5 năm đối với một số đối tượng vay nợ nhiều, mà không có khả năng thanh toán. Điều này đẩy không ít người vào cảnh khốn cùng.
Thách thức thứ ba là đồng USD suy yếu, đây là một trong những vấn đề phức tạp chủ yếu của kinh tế thế giới bởi vì phần lớn thương mại toàn cầu được giao dịch qua đồng tiền này. Sự suy giảm của USD trước tiên tác động tới việc giảm lãi suất ở Mỹ do khủng hoảng của thị trường tín dụng và tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ giảm sút. Đồng USD giảm sút trước hết là so với các đồng tiền châu Âu và làm cho các nhà xuất khẩu châu lục này bị thua thiệt. Mặt khác, đồng USD yếu giúp người Mỹ nhập khẩu ít đi và xuất khẩu nhiều hơn và nhờ vậy giảm thiểu được thâm hụt cán cân vãng lai. Có thể đồng USD yếu còn vì khối lượng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã chiếm vị trí số một thế giới, đạt mức 1.400 tỷ USD và chính sách tiền tệ của nước này. Việc đồng USD mất giá cũng có thể làm tăng lạm phát và dẫn tới lãi suất cao hơn, do đó hạn chế chi tiêu cá nhân. Lòng tin vào đồng tiền này giảm sút cũng làm cho tài sản của Mỹ sụt giá do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo các tài sản đó, khiến cho khủng hoảng tín dụng lại trầm trọng hơn.
Nhìn chung, kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm phát triển khá thuận lợi, 6 tháng cuối năm khó khăn do khủng hoảng tín dụng. Vì lẽ đó, ngay từ tháng 10, IMF đã phải giảm dự báo tốc độ tăng trưởng năm sau từ 5,2% xuống còn 4,8%. Ngoài nguy cơ khủng hoảng tín dụng thì tình trạng lạm phát đang tăng cao ở các nước đang phát triển và khả năng giá dầu tăng luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng của nền kinh tế thế giới.
Bất chấp những thách thức nêu trên, các nhà phân tích đều cho rằng, kinh tế thế giới năm 2007 vẫn nằm trong chuỗi năm hưng thịnh nhất. Công đầu được ghi cho các nền kinh tế châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, theo ông S.Bala, quan chức điều hành tiền tệ tại New Delhi: “Việt Nam và các nước đang phát triển ở phía Nam sa mạc Sahara, Mỹ Latinh đều tăng trưởng cùng với thế giới. Vì vậy, đây là một thời điểm trọng đại khi mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến những thành quả mà chúng ta đang thấy hiện nay”.
Dự báo năm 2008
Theo dự báo của Công ty Global Insights, có trụ sở tại Boston thì nền kinh tế Mỹ đang chuyển sang “vùng nguy hiểm“ và sẽ gặp suy thoái vào năm tới, tốc độ tăng trưởng sẽ thấp nhất kể từ năm 2002 đến nay. Các nền kinh tế khác, trừ Mỹ, khó mà “yên ổn” khi tiêu dùng ở Mỹ sụt giảm mạnh mẽ, vì thế tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ còn 3,3%. Hầu hết các nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Riêng Canada và Mexico, sự tác động do giảm tăng trưởng ở Mỹ sẽ được bù đắp lại nhờ giá dầu tăng cao. Còn châu Âu sẽ là nạn nhân trực tiếp của sự trì trệ toàn cầu, tỷ giá đồng Euro quá mạnh, khủng hoảng tín dụng và nhà đất và ở một số nước còn vì giá dầu cao. Ở Nhật Bản kịch bản sẽ xảy ra tương tự mặc dù vẫn chưa rõ tác động của khủng hoảng tín dụng.
Riêng đối với Trung Quốc, sự trì trệ toàn cầu chỉ là vật cản nhỏ, mức tăng trưởng sẽ là 10,8% thay vì 11,5% của năm nay. Tăng trưởng tín dụng tại nước này vẫn mạnh, nỗ lực hạ nhiệt cho nền kinh tế của chính phủ sẽ phần nào có hiệu quả, vào nửa năm đầu năm 2008 các điều kiện vay ngân hàng sẽ thắt lại. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy để có thể hạ cánh mềm. Còn Ấn Độ, mức tăng trưởng chủ yếu dựa vào nội lực và nhờ có quy mô kinh tế hùng mạnh nên vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP khoảng 8,5%. Châu Á vẫn đi tiên phong trong việc giữ nhịp cho kinh tế thế giới.
Nguyễn Xuân (Tổng hợp)