Hình thành một hệ thống được phân bố khá ngăn nắp, hợp lý, với các khu mua sắm có nhiều mức giá từ cao cấp đến bình dân - TPHCM đang bỏ rất xa các thành phố lớn khác, kể cả Hà Nội, trong lĩnh vực này...
Việc quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trong thời gian qua tại TPHCM đã tạo nên sự thay đổi cho ngành thương mại trên khắp các địa bàn TP với sự hình thành các siêu thị tại khắp các khu dân cư, quận - huyện. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Giám đốc Vinatex Mart, mục tiêu của Vinatex Mart từ nay đến năm 2010 sẽ thành lập 80 siêu thị. Tương tự, hệ thống siêu thị Coopmart, Maximart cũng lên kế hoạch tăng thêm vài siêu thị/năm. Tuy nhiên, thay đổi rõ nét nhất vẫn là tại khu vực trung tâm mua sắm của TPHCM ở quận 1 với hàng loạt trung tâm thương mại có vốn đầu tư trong và ngoài nước như Parkson, Tax, Diamond, Zen, Saigon Square... Theo kết quả khảo sát của Công ty AT Kearny, thị trường bán lẻ VN đã từ vị trí thứ 8 năm 2005 vươn lên vị trí thứ 3 năm 2006 và đang có chiềuhướng rộ lên làn sóng đầu tư vào hệ thống bán lẻ VN. Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, hiện đang có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ tại khu vực trung tâm mua sắm nên việc hình thành thêm loại hình này trong những năm tới là điều chắc chắn xảy ra. Bên cạnh sự có mặt của các trung tâm thương mại hiện đại, các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến đường cũng được TPHCM lưu tâm chấn chỉnh để tạo nên văn minh thương mại, nhất là đối với du khách nước ngoài. Chính vì vậy, trong 2-3 năm nay, các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố lẫn trung tâm mua sắm như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi... đã cấm các chiếm dụng lòng lề đường, đậu xe máy trên lề đường, tạo cảnh quan thông thoáng cho người đi bộ và mua sắm. Song song đó, việc hình thành khu phố đi bộ mua sắm vào buổi tối cũng được nghĩ đến và thực hiện thí điểm tại khu vực quanh chợ Bến Thành, chợ đêm Kỳ Hoà. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn chưa phát triển mạnh và chưa phong phú nguồn hàng để thực sự thu hút du khách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức chương trình điểm mua sắm, ăn uống đạt chuẩn vừa để thúc đẩy các điểm kinh doanh cải tiến, phấn đấu vừa giúp du khách dễ dàng tìm đến những địa chỉ kinh doanh có chất lượng. Theo Sở Du lịch TPHCM, hiện có hơn 20 quán ăn đạt chuẩn du lịch. Trong số này có khá nhiều điểm đặt tại trung tâm thành phố như nhà hàng Lion, hệ thống Phở 24, Givral, Maxim's Nam An, tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn... được công nhận đạt chuẩn du lịch không chỉ do chất lượng, vệ sinh mà còn do có không gian xanh, nhiều tiện ích...
Khách nước ngoài mua sắm tại TPHCM |
Bà Đổng Thị Kim Vui - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM 52 trung tâm thương mại đạt chuẩn Hiện nay trên địa bàn thành phố có 52 trung tâm thương mại, mua sắm được công nhận dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách. Hàng năm, các cơ quan chức năng đều tái thẩm định một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt để duy trì chất lượng phục vụ tốt cũng như uy tín. Cho đến thời điểm hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ ý kiến phàn nàn nào về chất lượng của các trung tâm này. Mỗi năm bình quân có thêm 10 trung tâm thương mại, điểm mua sắm được công nhận đạt chuẩn phục vụ du khách, trong khi đó số lượng các trung tâm đăng ký để sát hạch là rất nhiều. Hiện nay các trung tâm thương mại, mua sắm trên địa bàn thành phố hoàn toàn đủ sức để phục vụ du lịch. |
Theo Lao Động