4 nguy cơ lớn của thế giới
Thứ nhất là những thay đổi về dân số: Dân số sẽ tăng từ 6,7 tỉ người hiện nay lên 9 tỉ vào năm 2050, trong đó trên 5 tỉ người sẽ sống ở thành thị; tỉ lệ người già trên 60 tuổi sẽ vượt số trẻ em dưới 14 tuổi vào năm 2045... tất cả sẽ kéo theo những hệ quả xã hội.
Thứ hai là sự thay đổi khí hậu: Khí hậu nóng lên gây ra các hậu quả về môi trường, xã hội, kinh tế, quân sự ... ảnh hưởng nặng đến một số quốc gia và đòi hỏi phải có giải pháp toàn cầu.
Thứ ba là sự sa sút chủ quyền quốc gia: Chủ quyền của nhà nước quốc gia bị mất dần do tác động của toàn cầu hóa, xu hướng phát triển về môi trường và dân số, quá trình nhất thể hóa khu vực đặc biệt là EU.
Thứ tư là việc mất đi sự hợp lý: Sự suy yếu của bản sắc dân tộc, của việc tôn trọng luật pháp, ngôn ngữ và các giá trị công dân... đã và đang gây những hậu quả về văn hóa, tín ngưỡng, chính trị, xã hội...
Những thách thức toàn cầu
Thứ nhất là việc phổ biến hạt nhân, vũ khí sinh học và hóa học: Nhu cầu mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân, sử dụng những công nghệ có thể ứng dụng cả trong dân sự và quân sự sẽ gây những nguy cơ về an ninh.
Thứ hai là cuộc đấu tranh chống cạn kiệt tài nguyên: Cuộc tranh giành nguồn tài nguyên, nhất là năng lượng sẽ gia tăng. Việc đầu tư và nghiên cứu tìm nguồn năng lượng thay thế sẽ được khuyến khích. Do tăng dân số thế giới cũng như tăng trưởng kinh tế... vấn đề an ninh năng lượng trở nên rất quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, môi trường... của từng quốc gia.
Thứ ba là các tác nhân không phải quốc gia và xung đột không tương xứng: Trong thế giới toàn cầu hóa, an ninh thế giới bị đe dọa bởi các tác nhân không phải quốc gia hoặc được quốc gia đứng đằng sau hậu thuẫn và trong nhiều trường hợp có dính líu đến các tổ chức tội phạm có tổ chức. Tình trạng này càng làm gia tăng sự bất ổn định của thế giới.
Thứ tư là việc lạm dụng đòn bẩy tài chính: Hậu quả nguy hiểm của toàn cầu hóa là các biện pháp đòn bẩy tài chính có thể làm gia tăng bất ổn định chính trị, chẳng hạn như Trung Quốc đã tìm cách mua sự ủng hộ chính trị của một số chính quyền để được khai thác các nguồn khoáng sản ở châu Phi phục vụ chính sách an ninh năng lượng.
Và các vấn đề khu vực
Thứ nhất là sự trỗi dậy của châu Á: Sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của Trung Quốc và Ấn Độ cùng với sự phát triển ổn định của một số nền kinh tế khác trong khu vực đã gây những tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành siêu cường thống trị khu vực, đầu tư lớn vào quân sự và tiềm lực hạt nhân cũng như bơm tiền vào châu Phi.
Nếu giữ được mức tăng trưởng kinh tế hiện nay trong vòng hai thập kỷ nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2020 và đứng đầu thế giới vào năm 2027. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như khó giữ được mức tăng trưởng này do những tồn tại liên quan đến quản lý và các vấn đề môi trường, dân số, địa lý và biển. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cố tăng ảnh hưởng chính trị nhờ sức mạnh kinh tế, nhưng bằng hai phương cách trái ngược nhau. Trung Quốc đã nhận thức được sự cần thiết phải có sức mạnh hải quân để bảo vệ khả năng hạt nhân và giao thông đường biển. Trung Quốc sẽ hợp tác với Myanmar, Pakistan để có thêm lối ra biển nhằm tránh phải qua eo biển Malacca dễ bị phong tỏa. Trung Quốc cố giữ cân bằng giữa việc dùng tăng trưởng kinh tế để phát triển quân sự trong lúc vẫn hợp tác với các nước châu Á và tránh đối đầu với Mỹ.
Tham vọng tăng cường ảnh hưởng ở khu vực của Ấn Độ không dễ như đối với Trung Quốc. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan vẫn còn khó khăn và quan hệ Ấn Độ - Indonesia cũng không phải không có căng thẳng do nguy cơ xung đột giữa đạo Hồi và đạo Hindu. Trường hợp Nhật Bản lại rất khác so với các nước trong khu vực bởi Nhật quan hệ chặt chẽ với Mỹ về cả quân sự và chính trị.
Thứ hai là Trung Đông đầy hiểm nguy: Đây là khu vực tập trung nhiều thách thức nhất như mâu thuẫn sắc tộc, nguy cơ phổ biến hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và bất ổn định vì nguồn dầu lửa và hơi đốt... Những diễn biến ở đây tác động mạnh đến Mỹ vốn vẫn là nhân tố có ảnh hưởng nhất ở khu vực. Tình hình nay còn phức tạp hơn trước do những quá trình giải quyết xung đột Israel - Palestine không đem lại kết quả; những thay đổi từ sau sự kiện 11/9 và chiến tranh Iraq; cuộc xung đột giữa Sunni và Shiite tại Iraq và Lebannon...
Việc Mỹ lật đổ hai chế độ cũ ở Afghanistan và Iraq đã tạo nên khoảng trống để Iran tiến vào san lấp và phát triển ảnh hưởng trong khu vực. Tehran từ lâu đã muốn trở thành một cường quốc quan trọng ở khu vực và có khả năng chi phối sự cân bằng địa chiến lược tại Vùng Vịnh. Nếu Iran có vũ khí hạt nhân có nghĩa là chấm dứt hiệp ước NPT và xung đột khu vực sẽ trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Thứ ba là châu Phi và sự thất bại của nhiều nhà nước: Châu Phi là một khu vực phải đối đầu với nhiều thách thức như nội chiến, bạo lực sắc tộc, vấn đề tăng dân số, thay đổi khí hậu, nạn đói, dịch bệnh, nạn tham nhũng... và tình hình nay phức tạp hơn nhiều so với thời Chiến tranh lạnh. Đây chính là nơi đang diễn ra giai đoạn đầu của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Phương Tây, Trung Quốc và thế giới Hồi Giáo. Mặc dù 3 năm gần đây tăng trưởng trung bình khoảng 5%, nhưng châu Phi vẫn chưa đủ sức để đối phó với việc tăng dân số (từ 900 triệu người hiện nay sẽ lên đến 2 tỉ vào 2050), sự bất ổn định trong nội bộ nhiều nước, các hiểm họa về AIDS, nạn buôn lậu vũ khí, nghiện hút và cả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở một số nước...
Ở châu Phi, Phương Tây vẫn chủ trương kết hợp giữa sức mạnh mềm của châu Âu và sức mạnh rắn của Mỹ. Còn Trung Quốc đang đem đến khu vực này nhiều khoản đầu tư và hàng hóa mà không áp đặt điều kiện như Phương Tây. Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ châu Phi và để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, Mỹ đang tiến hành thành lập Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đầu tìm cách tranh thủ nguồn năng lượng ở châu Phi theo các cách riêng của mình.
Thứ tư là sự tái xuất hiện của Nga: Một nét đáng chú ý của thế kỷ 21 là sự trở lại của Nga về các khía cạnh. Nga mong muốn dựa vào sức mạnh kinh tế đang lên và đòn bẩy năng lượng để trở lại vị trí cường quốc thứ hai thế giới. Nga thất vọng về sự hợp tác với Phương Tây, nhất là NATO. Phương Tây có lợi ích duy trì quan hệ đối tác với Nga trên cơ sở có đi có lại nhưng phải tính đến lợi ích an ninh chính đáng của Nga. Trong bối cảnh đó, quan trọng là phải duy trì các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đang tồn tại như CFE, INF và đề xuất với Nga những lựa chọn mới về kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Đào Vũ (giới thiệu)