Trốn nhà đi biểu tình
“Tuổi thơ tôi trôi đi cũng êm đềm như những đứa trẻ khác. Cho đến khi có phong trào Trần Văn Ơn phát động học sinh, sinh viên nổi dậy chống sự đổ bộ của quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, thế là tôi theo các bạn trốn nhà đi biểu tình. Trong những ngày tham gia biểu tình, tôi bắt đầu thấm nhuần tư tưởng yêu nước. Khi ấy, một số cán bộ lão thành cách mạng đã nhận ra nhiệt huyết của tôi và chọn tôi đi huấn luyện, học tập tại Khu 7, để đào tạo thành điệp báo viên hoạt động nội thành trong khu vực Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn” - bà kể.
Con đường hoạt động cách mạng của Công Thị Nghĩa bắt đầu từ đó. Nhưng đến năm 1952, bà bị bắt và đưa ra trước Tòa án binh Pháp. Trong những ngày trong đề lao, bà có dịp tiếp cận những đàn chị cách mạng như Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên… Cho đến gần 1 năm sau, năm 1953, Chính phủ Pháp phân tán tù nhân, lúc ấy được đưa về Sài Gòn và được trả tự do.
Biết bà là người gan dạ, một số trí thức cấp tiến, thân Bắc kỳ đã giới thiệu và đưa nhập vào làng báo chí. Ý thức báo chí là vũ khí lợi hại nhất để đấu tranh cho quyền dân tộc, bà chấp nhận ngay. Hồi đó bà viết cho các báo Sài Gòn Mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… dưới nhiều bút danh khác nhau như Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...
Tình cờ trở thành hoa hậu
Khi tôi đưa tay chỉ một bức ảnh đen trắng, trong hình là một phụ nữ trẻ đội vương miện hoa hậu, bà cười: “Đó thực ra là một kỷ niệm đẹp, nhưng cũng chỉ là một sự tình cờ. Hôm ấy, nghe tin có tổ chức cuộc thi Hoa hậu, nhân danh phóng viên, tôi đến đó để lấy tin cho báo. Không ngờ khi gặp tôi, Ban tổ chức trầm trồ và cố thuyết phục gia đình cho phép tôi tham gia. Vậy là chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, một chiếc áo dài đăng ten, màu vàng rất đẹp được may gấp để tôi có trang phục đi dự thi hoa hậu…”.
Nhưng điều khiến tôi đến gặp bà hôm nay, những câu hỏi cứ chực phát ra, cuối cùng tôi cũng chen vào được để hỏi bà, lý do nào khiến bà rời bỏ tất cả để sang Pháp. Bà thổ lộ: “Khi đăng quang hoa hậu, có một số nhà làm phim đã mời tôi đóng phim, và do vậy, một nhóm người Pháp đã phát hiện ra và mời tôi tham gia làm phim truyền hình với họ. Chính vì thế mà tôi đã có điều kiện qua Pháp một cách dễ dàng, an toàn. Sau này, một người bạn trong ngành báo chí kể cho tôi nghe lại rằng khi biết tin tôi đã đi nước ngoài trót lọt, Trần Lệ Xuân đã ném cả cốc nước trà vào mặt Tổng Nội vụ thời đó và quát: “Tại sao các ông lại cho con Việt cộng nằm vùng đó trốn thoát!”
Nhưng con đường nào đã khiến bà từ một Hoa hậu, đến diễn viên phim trường, cuối cùng lại thành Tiến sĩ sử học? Giọng bà như trầm lại: “Sau khi sang Pháp, các nhà làm phim đề nghị tôi đóng những bộ phim chống Cộng và ca ngợi Pháp trong thời kỳ thuộc địa vàng son của họ ở Đông Dương, nhưng tôi từ chối. Tôi cũng không thể về nước, vì những năm đó, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu thực thi Luật 10/59, rất nhiều bà con thân hữu khuyên tôi không nên trở về”.
Trong cảnh bơ vơ nơi đất lạ, bà tham gia những khóa học tiếng Pháp, đầu tiên tại Sorbonne và may mắn được GS Durand kèm cặp. Ông không chỉ là nhà ngôn ngữ học mà còn là nhà sử học. Đến năm 1964, bà chính thức ghi tên vào khoá học của GS Durand tại Trường cao học Ngôn ngữ và sử học Đông Dương.
Tại Pháp, cựu hoa hậu đã khám phá ra những hoạt động của các trí thức (cả Nho học và Tân học Việt Nam) tại Pháp, họ thu được rất nhiều những kết quả khả quan đã dấy lên tình yêu nước chống thực dân trong giới Việt kiều, đánh thức dư luận Pháp về chế độ thuộc địa. Chính vì thế khi tốt nghiệp cao học, bà chọn đề tài làm luận án về Phan Châu Trinh. “Trong tâm trạng của một người dân mất nước, tôi say sưa nghiên cứu về khoảng thời gian Pháp đô hộ Việt Nam…”. Và chính những nghiên cứu ấy đã như một liều thuốc, như một dòng nước mát giúp bà hiểu biết nhiều điều, vén bức màn bí mật để tìm ra chân lý.
Khi hoàn thành luận án, bà đã thu lược và viết thành sách, cuốn có tựa đề: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911–1925 và đã được ấn hành tại Pháp năm 1983. Sau này, cuốn này được Trung tâm Quốc học tái bản và in lần đầu tiên tại Việt Nam với nhiều tài liệu bổ sung. Một phần do chính tác giả sau những tìm tòi và có thêm sự trợ giúp của chính gia đình Phan Châu Trinh, cộng với một số tài liệu của bà Lê Thị Kinh, một trong số cháu ngoại của cụ Phan đã sang Pháp sưu tầm thêm. Còn cuốn Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917 – 1923 đã được trong nước in từ những năm 1990.
Mối quan tâm hiện tại
Tìm hiểu về những hoạt động của bà, tôi còn thấy bà rất quan tâm đến ngành du lịch, khi được hỏi, bà tâm sự: “Du lịch là hướng phát triển đầy tiềm năng của Việt Nam, tôi muốn ngành Du lịch VN phải phát triển đúng hướng, không nên vì lợi nhuận mà băng hoại đạo đức của dân tộc mình, làm ô nhiễm môi trường và tàn phá cảnh quan của đất nước…”.
Từ những năm đầu của thập kỷ 1980, bà thường xuyên về Việt Nam, từ Nam đến Bắc, để tham gia giảng dạy trong các trường Đại học và tổ chức các cuộc hội thảo về văn hoá du lịch: “Mỗi ngành đều có một nền văn hóa riêng của nó” - bà nói - “phải đi đúng hướng thì mới phát huy được hết khả năng, tận dụng được mọi khía cạnh của nó”. “Trong một lần về nước tham dự hội thảo Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ do Trung tâm Quốc học tổ chức, buổi đó tôi đã phát biểu rất sâu về bản sắc và ngôn ngữ dân tộc. Ngay cả ở Pháp, báo chí vẫn thường xuyên cảnh báo việc chen các từ tiếng Anh vào trong văn viết và văn nói của một số người, nhưng đúng là trên thực tế vẫn rất khó cưỡng lại trong thời buổi toàn cầu hoá này, nó có thể cũng có những điểm tích cực, nhưng nếu đất nước nào không vững vàng về mặt giáo dục, thì chắc chắn sẽ bị xu hướng toàn cầu hoá cuốn đi như một cơn lốc”. Như để chứng minh, trong suốt buổi nói chuyện, thỉnh thoảng bà quay sang tôi: “Người Nam thì nói thế này… Người Bắc thì nói thế này… Đúng vậy không?” Ngoài ra, bà luôn tranh thủ những lần về nước để làm từ thiện. Với chức danh của mình, từ những năm 1983, bà đã đi quyên góp tiền ủng hộ xây dựng được một số trường lớp cho trẻ em lang thang ở TP. Hồ Chí Minh, hay đến tặng quà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam tại làng Vân Canh.
Ngoài những hoạt động xã hội và công việc của mình, trong một thời gian dài, bà còn là một cây viết tích cực, là biên tập viên kiên nhẫn của tạp chí Đoàn kết, một tạp chí của cộng đồng Việt Nam yêu nước tại Pháp. Bà còn là một nhà thơ, và đã được vinh danh là một trong 100 nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ XX được bình chọn năm 2007, với tập thơ Nói sao cho vợi…
Giờ đây, đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn miệt mài làm việc và tham gia vào các phong trào giúp đỡ các em học sinh sinh viên mới sang Pháp du học. Ngày 7/4 vừa qua, bà tổ chức một buổi nói chuyện với các em với chủ đề: Cách ứng xử trong giao tiếp hàng ngày với người Pháp.
Đằng sau tất cả những việc làm của cựu Hoa hậu, Tiến sĩ sử học và Thi sĩ Thu Trang là một tâm nguyện được đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Khổ thơ sau được trích trong bài thơ Nói sao cho vợi được bà viết từ năm 1969, đã phần nào nói lên được nỗi lòng của một người còn xa quê hương:
…Giữa muôn hương sắc huy hoàng
Tôi không thấy mùa xuân sang
Hồn tôi ở phương trời ấy
Tôi đợi mùa xuân Việt Nam!
Hoàng Hà