Nếu như thời Pháp trước đây, Đông Á có nghĩa là Viễn Đông (Extrême Orient) thì gồm có cả Đông Nam Á, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Trong bài này chúng tôi theo nghĩa hẹp của “Đông Á”, chỉ nói đến khối Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng Trung Quốc.
Cần phải phân biệt Hội nhập quốc tế (International intergration) và Hội nhập toàn cầu (Global intergration). Sự phân biệt giữa quốc tế hóa và toàn cầu hóa rõ nét nhất ở lĩnh vực kinh tế. Theo từ điển Pháp ngữ phổ thông, nền kinh tế quốc tế đặt quan hệ giao tiếp giữa các quốc gia trong không gian kinh tế mang tính quốc gia, bằng cách trao đổi và đầu tư trực tiếp ra bên ngoài quốc gia. Còn toàn cầu hóa (tiếng Anh: Globalisation) là sự biến chuyển của một nền kinh tế quốc tế sang một nền kinh tế toàn cầu, được đặc trưng bởi sự cạnh tranh toàn bộ đối với tất cả các quốc gia trên cơ sở tư nhân, chứ không phải chính trị trong không gian kinh tế toàn cầu mà phần nào các quốc gia không kiểm soát nổi. Kinh tế tư bản chuyển từ quốc tế sang toàn cầu: Trước đây đã có những công ty liên quốc gia trở thành siêu quốc gia. Nay thì mọi thứ trở thành toàn cầu, siêu quốc gia: thị trường tài chính, các hãng khổng lồ, ẩm thực, âm nhạc, internet, khí hậu, thời trang... Một bản nhạc, một bộ quần áo mới... xuất hiện trên TV, ngay lập tức có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Vậy thì hội nhập quốc tế là hiện tượng của một quốc gia, gắn bó với một số quốc gia khác, trong một số lĩnh vực nhất định (quân sự, kinh tế, văn hóa, tôn giáo...). Sự gắn bó ấy có thể hẹp (ví dụ: Ủy ban Quốc tế kiểm tra của Hội nghị Genève chỉ có vài nước) hoặc rộng (như Liên hợp quốc). Nhưng rộng đến đâu vẫn là giao tế giữa các quốc gia (quốc + tế) chưa phải là toàn cầu hóa.
Hội nhập quốc tế về văn hóa bao giờ cũng đi liền với tiếp biến văn hóa (Acculturation) là sự gặp gỡ giữa hai hay nhiều nền văn hóa và kết quả của sự gặp gỡ ấy đối với mỗi nền văn hóa; một nền văn hóa có thể mất đi một số yếu tố và tạo ra được cái mới, với những yếu tố hội nhập....
Nếu hiểu hội nhập quốc tế như trên, thì về mặt văn hóa Việt Nam đã có nhiều cuộc hội nhập quốc tế trong quá trình lịch sử.
Cuộc hội nhập quốc tế về văn hóa thứ nhất của ta là chịu ảnh hưởng văn minh Trung Quốc, trong hai giai đoạn: giai đoạn Bắc thuộc hơn 1.000 năm và giai đoạn các triều đại Việt Nam độc lập 900 năm. Trong quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa ấy, văn hóa Việt (Đông Nam Á) vẫn giữ được và khẳng định bản sắc, trong khi tiếp thu và cải biến những yếu tố lấy của văn hóa Trung Quốc. Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên đã cùng văn hóa Trung Quốc có những nét chung mà không đồng hóa do bản sắc mỗi dân tộc vững chắc. Có thể nói văn hóa khối Đông Á có hai đặc điểm chung: tinh thần cộng đồng là chủ yếu, át hẳn tính cá thể (theo Hofstelec và E. Hall, khái niệm cá thể hay cộng đồng mạnh hay yếu là tiêu chuẩn chủ yếu để xếp loại các nền văn hóa), nhất là do ảnh hưởng Khổng học. Tư duy Đông Á nặng về tổng hợp, tình cảm, trực giác hơn là tư duy phương Tây thiên về lý tính phân tích, vật chất, dẫn đến khoa học.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, phương Tây xâm chiếm thuộc địa, tấn công vào Đông Á, đặt ra cho khối này vấn đề sống còn là hội nhập với văn hóa phương Tây, nghĩa là hiện đại hóa. Hiện đại hóa đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, có nghĩa là phương Tây hóa. Mỗi nước phản ứng một khác. Theo một công trình điều tra của Nhật Bản: Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Trung Quốc (26 điểm) ít hơn Triều Tiên (42 điểm) và Việt Nam (46 điểm). Do Nhật Bản có một thời kỳ mấy trăm năm đóng cửa đối với Trung Quốc, lại không như Triều Tiên và Việt Nam quá thấm nhuần Khổng học, do mở các kỳ thi tuyển quan lại dựa vào Khổng học chính thống. Vì vậy, trước họa bị xâm lăng, người Nhật sớm dứt với một số ràng buộc của văn hóa Trung Quốc, quay sang bắt chước, học hỏi phương Tây, hiện đại hóa từ thời Minh trị, trở thành hùng cường. Trung Quốc luẩn quẩn trong chế độ phong kiến, trở thành một bán thuộc địa. Triều Tiên bị chính nước Đông Á Nhật Bản cai trị. Còn Việt Nam thành thuộc địa của Pháp.
Khi hội nhập với phương Tây, qua tiếp biến văn hóa, các nước Đông Á hiện đại hóa đều phải giải quyết một vấn đề: bảo tồn bản sắc dân tộc như thế nào khi phải chấp nhận sự thách thức của tinh thần cá thể và kiểu tư duy phương Tây. Mỗi nước giải quyết một cách.
Dưới góc độ văn hóa, cuộc hội nhập của Việt Nam với phương Tây là hội nhập quốc tế lần thứ hai (qua 80 năm Pháp thuộc).
Cuộc hội nhập lần thứ ba là thời kỳ hơn 30 năm cách mạng và chiến tranh: Hội nhập với khối XHCN (1945-1986). Trong lần thứ hai và thứ ba này, ta vẫn bảo tồn và làm phong phú thêm bản sắc dân tộc.
Cuộc hội nhập hiện nay (từ đổi mới 1986) chuyển từ quốc tế hóa sang toàn cầu hóa với những đặc điểm như trên đã nói. Vấn đề chung cho Đông Á, như một chính khách Hàn Quốc đã nói: trong bản giao hưởng thế giới, phải hòa nhập văn hóa toàn cầu với những đặc tính văn hóa dân tộc mình, vừa hiện đại, vừa truyền thống, Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều thành công về mặt này./.