Không có chuyện trả về ồ ạt
Hãng tin AP và BBC đều trích đăng lời Giám đốc Cơ quan thực thi Luật Di trú và Hải quan của Mỹ (ICE), bà Julie Myers rằng “Washington đã bắt đầu quá trình pháp lý nhằm trục xuất hàng ngàn người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Mỹ sau khi hai nước hoàn tất một hiệp định về lĩnh vực này”. Điều đó khiến nhiều người tưởng rằng, sẽ có một đợt trả về “ồ ạt” những người Việt Nam thuộc diện “được liệt kê” kể trên.
Về vấn đề trục xuất, trong phần trả lời phỏng vấn của Văn phòng Tham vấn Di trú Robert Mullins International ở bang California, luật sư biện hộ di trú Steve Lopez cho rằng: “Những người đã nhận lệnh trục xuất có nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức một khi hai chính phủ đã sẵn sàng tiến hành hiệp định. Họ sẽ được chính phủ liên lạc thông báo ngày lên đường. Những người nhận lệnh trục xuất sẽ có thời gian 15 ngày để chuẩn bị cho chuyến hồi hương. Nếu họ chọn cách lờ đi lệnh này, cơ quan thi hành luật di trú và hải quan sẽ tìm đến nhà hay nơi làm việc đưa họ thẳng ra máy bay”.
Tuy nhiên, thông tin từ Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an Việt Nam cho hay, trong thực tế, không phải cứ có lệnh là trục xuất ngay, mà bất kỳ một trường hợp nào khi nhận trở lại công dân mình, đều phải có sự thẩm tra trực tiếp, và kỹ càng của các cơ quan chức năng. Và điều đó được hiểu là cần phải có thời gian để tiến hành các công việc đó, tránh những trường hợp nhầm lẫn đáng tiếc, gây xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân đương sự.
Còn một điều quan trọng nữa là trong Hiệp định đã quy định rất rõ, rằng Hiệp định sẽ được thực hiện kéo dài trong 5 năm, sau đó tự động gia hạn ba năm một, ngoại trừ có yêu cầu của chính phủ hai bên. Việc thực hiện Hiệp định nêu trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 1.500 người Việt Nam đang bị phía Mỹ tiến hành thủ tục trục xuất. Và không phải tất cả những người nằm trong số 6.200 người đã có quyết định trục xuất như Trợ lý Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Julie L. Myers đưa ra trong buổi ký kết bản ghi nhớ tại Hà Nội là bị trục xuất hoàn toàn. Ngày 12/7/1995, ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao sẽ là mốc để phân biệt, chỉ những ai nhập cư bất hợp pháp sau thời điểm này mới bị trục xuất.
Những người phạm tội bị trục xuất
Không chỉ nhập cư bất hợp pháp, mà có một số trường hợp cũng sẽ bị trục xuất về nước do phạm tội tại nước sở tại. Tại Mỹ, người vi phạm luật pháp sau khi thụ án xong, tòa án di trú sẽ mời đương sự ra để đọc phán quyết về việc trục xuất. Các chánh án phụ trách về di trú không quan tâm đến các yếu tố nhân đạo, cho dù người vi phạm luật pháp ở cấp độ tiểu hình, có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc lớn tuổi.
Nước Mỹ là một đất nước di dân và cũng có nhiều vấn đề liên quan đến người nhập cư. Gần đây, làn sóng nhập cư bất hợp pháp của các nước châu Á và Mỹ La tinh vào nước này quá nhiều đã khiến cơ quan di trú và Bộ An ninh nội địa Mỹ phải mạnh tay trong việc trục xuất, bất kể đó là người nhập cư bất hợp pháp hay di dân hợp pháp vi phạm pháp luật. Trong số 200.000 người phạm pháp tại Mỹ với những tội danh như buôn bán ma túy, giết người, ăn cắp… đứng thứ hai là người gốc Việt (nhiều nhất là người Mexico). Điều này, khiến cộng đồng người gốc Việt và bản thân những người đã phạm tội, dù có thể là những tội rất nhỏ như ăn cắp vặt (và đã thi hành án phạt) lo lắng. Nhất là những người mà khi trở về nguyên quán, họ không một người thân nào để giúp đỡ. Việc nhận trở lại công dân là điều bình thường của bất cứ quốc gia nào. Với Việt Nam, ngoài Hiệp định đã ký với Mỹ kể trên, thì tính đến ngày 17/10/2007, ta cũng đã ký với 9 nước khác (gồm có Hà Lan, Đức, Anh, Ba Lan, Slovakia, Canada, Australia, Thụy Sĩ, Na Uy), và đang chờ thủ tục phê duyệt với Czech và Ukraine về các Hiệp đinh, thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước. Trong mọi trường hợp, việc nhận trở lại công dân Việt Nam đều phải đảm bảo có trật tự, an toàn và tôn trọng nhân phẩm của người trở về.
Theo các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các công dân Việt Nam khi ra nước ngoài phải hiểu biết và tuân thủ nghiêm túc luật pháp của nước sở tại để tránh bị trục xuất. Chính phủ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam chỉ có thể bảo vệ được những quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân mình trên cơ sở luật pháp hai nước và pháp luật quốc tế.
Đông Minh