Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: OK Credit) |
Xuất khẩu hàng hóa tháng 10 vượt mốc 30 tỷ USD
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD).
Cơ hội tỷ USD cho viên nén gỗ Việt
Trong chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ ước đạt 530 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 có thể đạt trên 700 triệu USD.
Theo một số chuyên gia, với mức tăng trưởng khá bất ngờ của đặt hàng viên nén gỗ từ Việt Nam, cùng năng lực thích ứng nhạy bén của doanh nghiệp trong nước, viên nén gỗ có thể gia nhập nhóm các mặt hàng "tỷ USD" trong tương lai gần.
Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Smart Wood Việt Nam - công ty chuyên xuất khẩu viên nén gỗ sang Nhật Bản và Hàn Quốc từ năm 2013, cho biết dự báo nhu cầu sử dụng viên nén gỗ thế giới đến năm 2025 khoảng 30 triệu tấn. Từ giữa năm nay, nhiều khách hàng Liên minh châu Âu (EU) đã sang Việt Nam tìm kiếm nguồn cung viên nén gỗ để bù đắp sự giảm sút mang tính khủng hoảng nhiên liệu.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (Bình Định) xác nhận đã phải... từ chối đặt hàng từ EU do công ty hiện chỉ đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu đi Nhật theo hợp đồng đã ký dài hạn.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt nam (Viforest), cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến nguồn cung khí đốt khan hiếm, trong khi nhu cầu sử dụng viên nén gỗ để đốt lò sưởi trong mùa Đông tại thị trường EU vẫn tiếp tục tăng mạnh. Viên nén gỗ cũng đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải nên hiện nay nhiều khách hàng ở EU sang Việt Nam tìm mua, đẩy giá viên nén gỗ có lúc đã chạm đáy dưới 100 USD/tấn, nay lên tới 200 USD/tấn.
VCCI khuyến nghị đơn giản hóa thuế suất với hàng hoá thương mại điện tử
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về Dự thảo Thông tư quy định các chỉ tiêu thông tin để thực hiện thủ tục hải quan với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Hiện nay, các tờ khai thông quan hàng hoá tại Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp khai mã HS của từng hàng hoá. Mã HS áp dụng cho hàng hoá thương mại điện tử hoàn toàn giống như mã HS cho hàng hoá xuất nhập khẩu thông thường.
VCCI đánh giá cách quy định như vậy là chưa phù hợp và chưa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thương mại điện tử vì 2 lý do sau.
Thứ nhất, số lượng mã HS cần khai trong một chuyến hàng là vô cùng lớn. Đặc điểm của hoạt động vận chuyển hàng hoá thương mại điện tử xuyên biên giới là trong một chuyến hàng có rất nhiều đơn hàng, các hàng hoá trong từng đơn hàng và trong chuyến hàng rất phong phú và khác nhau.
Thứ hai, việc xác định mã HS rất phức tạp. Từ kinh nghiệm thực hiện xuất nhập khẩu thông thường của các doanh nghiệp, việc xác định mã HS của một số hàng hoá thường gây khó khăn. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông có nhu cầu tương đối lớn yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số.
Nếu áp dụng tương tự, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thương mại điện tử sẽ gặp phải tình trạng tương tự như trên. Việc xác định mã HS này thường rất tốn thời gian trong khi người mua online không đủ kiên nhẫn chờ hàng, dẫn đến tình trạng huỷ đơn, không nhận hàng, gây thiệt hại cho người bán và sàn thương mại điện tử.
Thực tế, yếu tố quan trọng nhất trong việc thông quan hàng hoá thương mại điện tử nằm ở việc đơn giản hoá thủ tục hải quan để hàng hoá nhanh chóng đến tay người tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro phải khai sửa đổi hoặc bị truy thu thuế cho doanh nghiệp.
Do vậy, VCCI khuyến nghị việc xác định dòng thuế và thuế suất với hàng hoá thương mại điện tử nên được đơn giản hoá. Chẳng hạn, biểu thuế xuất nhập khẩu với hàng hoá thương mại điện tử sẽ gồm một vài “giỏ hàng hoá” được hình thành dựa trên việc gộp các mã HS lại, ví dụ giỏ hàng hoá 1 gồm quần áo, trang phục, giày dép, bộ đồ giường và hàng dệt may khác; giỏ hàng hoá 2 gồm máy tính, thiết bị điện, điện thoại, tai nghe, micro điện thoại… Mỗi giỏ hàng hoá sẽ được gán một mức thuế suất nhất định.
VCCI lấy ví dụ: thực hiện theo cách trên, doanh nghiệp có thể đơn giản phân loại một bộ quần áo kiểu unisex thuộc giỏ 1 (quần áo) thay vì phải tranh luận với cơ quan hải quan sản phẩm này thuộc nhóm HS 61.04 – Bộ comple, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, áo khoác thể thao, áo váy dài, váy, chân váy, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần short (trừ quần áo bơi) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim không hoặc móc hay thuộc nhóm HS khác.
VCCI cho biết việc xây dựng biểu thuế xuất nhập khẩu theo vài “giỏ hàng hoá” đã được áp dụng tại Canada từ năm 2012 với 3 giỏ hàng hoá thay cho gần 5.400 mã HS.
Cá tra Việt "khởi sắc" trên sân chơi khu vực
Năm tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 87,3 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, ASEAN thực sự là thị trường cần được lưu tâm trong thời gian tới. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ASEAN là thị trường đầy tiềm năng với sản phẩm cá tra.
Cụ thể, với Thái Lan, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN. Mức tăng trưởng dương xuất khẩu sang thị trường này trong nửa đầu năm nay khá tốt và thuận lợi.
Riêng tháng 5/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt 6,5 triệu USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 5/2019, giá trị xuất khẩu đạt 32,5 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Ngoài các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông... cá tra Việt Nam đang có nhiều lợi thế ở sân chơi khu vực. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Trong thời gian này, nhập khẩu cá thịt trắng của Thái Lan giữ ở mức tăng trưởng tốt và khả quan, trong đó giá trị nhập khẩu cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất, từ 40-90% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của nước này.
Nửa đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản của Thái Lan tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, nhập khẩu cá thịt trắng chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu nhập khẩu thủy sản đông lạnh của nước này.
Philippines thực sự là thị trường mới nổi tại ASEAN trong hai năm nay 2018-2019 khi giá trị xuất khẩu tăng trưởng khả quan liên tiếp trong nhiều tháng qua. Tính đến hết tháng 5/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 19 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
"Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường lớn và duy nhất cung cấp cá thịt trắng, trong đó có cá tra cho thị trường này. Do những điều kiện tự nhiên kém thuận lợi hơn các nước trong cùng khu vực nên Philippines phải nhập khẩu thủy sản nuôi nhiều hơn trong những năm gần đây", VASEP cho biết.
Năm 2018, lần đầu tiên, Việt Nam đã tổ chức Lễ hội quảng bá gạo và cá tra Việt Nam tại Philippines. Thông qua lễ hội này, đã có nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này biết tới sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam là cá tra.
Tại Malaysia, theo VASEP, tính đến hết tháng 5/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang nước này đạt 18,8 triệu USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thị trường được đánh giá là triển vọng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đặc thù với tỷ lệ người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, so với Philippines thì đây lại là nước nhập khẩu đa dạng và cởi mở hơn với sản phẩm cá thịt trắng. Ngoài Việt Nam, Malaysia cũng nhập khẩu cá thịt trắng từ Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp... Nhưng Việt Nam vẫn là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất, trong đó có cá tra. Do đó, trong thời gian tới, còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam tăng thêm tỷ trọng xuất khẩu tại thị trường này.
Như vậy, ngoài các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông... cá tra Việt Nam đang có nhiều lợi thế ở sân chơi khu vực.