📞

10 dấu ấn đối ngoại của Việt Nam năm 2020

09:30 | 02/01/2021
TGVN. Báo Thế giới & Việt Nam bình chọn 10 dấu ấn đối ngoại của Việt Nam năm 2020.
Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch AIPA 41, đảm nhiệm tốt năm đầu tiên trên cương vị Uỷ viên KTT HĐBA LHQ.

Đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế, qua đó nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam. Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch AIPA 41, thể hiện mạnh mẽ vai trò dẫn dắt, điều phối ASEAN trong ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Đảm nhiệm tốt năm đầu tiên trên cương vị Uỷ viên KTT HĐBA LHQ (2020-2021); chủ động, tích cực tham gia và để lại những dấu ấn riêng, đặc biệt, lần đầu tiên một Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất được thông qua với sự đồng thuận cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế về phòng chống dịch bệnh.

Sáng 19/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Suga Yoshihide và Phu nhân. (Ảnh: Nguyễn Hông)

Tiếp tục củng cố và phát triển hợp tác sâu rộng, hiệu quả với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng. Triển khai “ngoại giao trực tuyến” một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo: Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam đã tiến hành 34 cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến song phương với lãnh đạo các nước, chủ trì và tham dự 35 hội nghị đa phương trực tuyến; Triển khai an toàn các hoạt động trao đổi đoàn quan trọng; Nâng cấp quan hệ với New Zealand lên Đối tác Chiến lược, qua đó nâng mạng lưới đối tác chiến lược lên 17 quốc gia; Nâng tầm hợp tác với các nước láng giềng và khu vực thông qua việc tích cực đưa các vấn đề hợp tác khu vực Mekong vào thảo luận sâu rộng trong các cơ chế hợp tác phát triển tại khu vực.

Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19.

Triển khai hiệu quả “ngoại giao Covid”. Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19, qua đó tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ về tài chính và trang thiết bị y tế từ các nước và tổ chức quốc tế. Mô hình chống dịch hiệu quả của Việt Nam, cùng với tinh thần trách nhiệm quốc tế và nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong hợp tác chống dịch được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Hiệp định UKVFTA tạo ra những động lực mới cho phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Hội nhập kinh tế quốc tế tiến triển đột phá. Việt Nam đã thúc đẩy ba Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) quan trọng, cơ bản định hình mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng: ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh Châu Âu, thúc đẩy ký FTA với Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Công tác biên giới lãnh thổ tiếp tục được thúc đẩy và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình: Việt Nam lưu hành các công hàm tại Liên hợp quốc, thể hiện lập trường chính nghĩa của ta trong vấn đề Biển Đông, bác bỏ các yêu sách trái với luật pháp quốc tế, nhất là trái với Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Hoàn tất trao đổi Văn kiện Phê chuẩn hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45. (Ảnh: Tuấn Anh)

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai kịp thời, hỗ trợ hiệu quả kiều bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quyên góp hơn 75 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh trong nước và ủng hộ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lịch sử. Cộng đồng người Việt cũng tích cực hỗ trợ người dân, chính quyền sở tại phòng chống dịch, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của con người và đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

219 công dân Việt Nam làm việc tại Guinea Xích đạo về nước an toàn.

Công tác bảo hộ công dân được triển khai trên phạm vi rộng chưa từng có. Với khẩu hiệu “không bỏ ai lại phía sau”, các Cơ quan đại diện và cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với các nước tổ chức 280 chuyến bay “giải cứu công dân”, đưa gần 80.000 công dân từ hơn 59 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế ở khu vực và thế giới.

Tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của đất nước. Việt Nam trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế ở khu vực và thế giới. Với tăng trưởng GDP trong năm 2020 dự kiến đạt gần 3%, Việt Nam được đánh giá là một trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020, Việt Nam trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN với GDP ước đạt 340,6 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỉ lục 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước.

Vườn Quốc gia Tà Đùng thuộc Công viên Địa chất Đắk Nông,

Ngoại giao văn hóa đạt thành quả với việc vận động thành công UNESCO công nhận các danh hiệu: Công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu; Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp) là thành phố học tập toàn cầu; Đệ trình UNESCO tám hồ sơ đề cử các danh hiệu mới.

Bài viết về Việt Nam trên East Asia Forum.

Thông tin tuyên truyền đối ngoại đạt hiệu quả tốt: Việt Nam trở thành một điểm sáng, xuất hiện với tần suất cao và thường xuyên trên truyền thông quốc tế. Việt Nam nổi lên như một mô hình thành công độc đáo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và phát triển kinh tế. Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn, hòa bình và hấp dẫn đối với đầu tư quốc tế.