10 dấu ấn đối ngoại nổi bật năm 2022
06:00 | 30/12/2022
Báo Thế giới & Việt Nam bình chọn 10 dấu ấn đối ngoại nổi bật của Việt Nam năm 2022.
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự. (Nguồn: TTXVN) | 1. Các hoạt động đối ngoại cấp cao trực tiếp diễn ra sôi động trong bối cảnh thế giới chuyển sang trạng thái thích ứng sau đại dịch Covid-19. Tiêu biểu là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc và các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các nước láng giềng chung biên giới, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống, góp phần thúc đẩy quan hệ, tin cậy chính trị, tình cảm hữu nghị. |
| Những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao do Báo Thế giới và Việt Nam xuất bản trong năm 2022. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn) | 2. Kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, đối tác quan trọng. Năm 2022, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào, 55 năm với Campuchia là hai nước láng giềng; 50 năm với Ấn Độ, 30 năm với Hàn Quốc… là các đối tác chiến lược. |
| Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Nguyễn Hồng) | 3. Nâng cấp quan hệ với đối tác chiến lược và mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng. Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện, thiết lập quan hệ với Quần đảo Cooks. |
| Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. (Ảnh: Tuấn Anh) | 4. Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế được Ban Bí thư ban hành ngày 10/8/2022 là cơ sở để chủ động, kịp thời chuyển trọng tâm sang hỗ trợ thích ứng an toàn, phục hồi - tăng trưởng. |
| Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước. (Nguồn: UN) | 5. Bám sát tình hình, kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, linh hoạt xử lý các diễn biến phức tạp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là an ninh chủ quyền biển đảo; thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN; bảo vệ các hoạt động kinh tế biển; hoàn tất việc đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 12 năm đàm phán với Indonesia. |
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Đại hội đồng AIPA-43. (Nguồn: TTXVN) | 6. Đối ngoại đa phương tiếp tục đóng góp quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam; tiếp tục được tín nhiệm bầu đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế của Liên hợp quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; tham gia vào công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của ASEAN trong các vấn đề khu vực, tích cực thể hiện vai trò tại các diễn đàn APEC, tiểu vùng Mekong... |
| Tiếp nhận và đưa về nước công dân Việt Nam tại Campuchia. (Nguồn: TTXVN) | 7. Triển khai kịp thời, hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân. Công tác bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai nhanh chóng hiệu quả, điển hình là việc sơ tán an toàn công dân Việt Nam ở Ukraine, tiếp nhận và đưa về nước công dân Việt Nam tại Campuchia, có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam ở nhiều địa bàn. |
| Ảnh minh họa. (Nguồn: chinhphu.vn) | 8. Tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Kinh tế đối ngoại Việt Nam phát triển ấn tượng. Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD, so với gần 670 tỷ USD năm 2021; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong năm năm qua; dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 8%, vượt chỉ tiêu 6-6,5%; GDP (PPP) đạt khoảng 1.278 tỷ USD, xếp thứ 3/10 trong khu vực ASEAN, thứ 10 châu Á và thứ 39 trên thế giới. Việt Nam tham gia khởi động trao đổi về Khuôn khổ đối tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). |
| Ảnh minh hoạ. (Nguồn: VGP) | 9. Tích cực triển khai ngoại giao xanh. Thực hiện chủ trương, chính sách về xây dựng nền kinh tế xanh, nhất quán và nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tích cực tranh thủ hợp tác của các đối tác trong chuyển đổi xanh cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). |
| Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP) | 10. Ngoại giao văn hóa có nhiều kết quả nổi bật. Nhiều di sản Việt Nam được công nhận: nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các chương trình Ngày Việt Nam tại Áo, Hàn Quốc và Ấn Độ gây ấn tượng với bạn bè quốc tế. Thêm vào đó, SEA Games 31 tổ chức thành công tại Việt Nam; Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu vượt chỉ tiêu tại ASEAN Para Games 2022; Bóng đá nữ Việt Nam vào World Cup 2023... |