1. Apple loại bỏ cổng cắm tai nghe truyền thống
Vừa qua, Apple đã có một quyết định táo bạo, gây tranh cãi trong làng công nghệ khi quyết định loại bỏ jack cắm tai nghe truyền thống chuẩn 3,5mm trên bộ đôi iPhone 7 và 7 Plus mới ra mắt của mình.
Đại diện của Apple tiết lộ, việc đưa ra quyết định loại bỏ jack cắm tai nghe 3,5mm vốn rất quen thuộc trên mọi thiết bị công nghệ đòi hỏi hãng phải thực sự “can đảm” mới thực hiện được. Apple biết rằng, tự mình đưa ra một chuẩn mới trong việc cắm tai nghe sẽ khiến hãng “cô độc” hơn trong "cuộc chiến" smartphone vốn đang rất khốc liệt. Tuy nhiên, Apple vẫn quyết tâm tạo nên một cuộc cách mạng trong chuẩn tai nghe nhằm mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Apple đã mạnh dạn bỏ jack cắm tai nghe chuẩn 3,5mm trên iPhone 7 và iPhone 7 Plus. (Nguồn: Mashable) |
Hiện tại, Apple vẫn đang cung cấp bộ chuyển đổi cổng từ lightning sang 3,5mm đi kèm sản phẩm nhưng hãng này vẫn khuyến khích người dùng nên mua tai nghe không dây đi kèm trợ lý ảo AirPods do hãng phát triển. Với AirPods, hãng kỳ vọng sẽ mở ra một tương lai - nơi con người có thể giao tiếp với điện thoại, máy tính qua giao diện giọng nói, trong khi màn hình sẽ chỉ còn là thứ yếu.
2. Facebook đau đầu vì tin tức giả mạo
Sự lan truyền của tin tức giả mạo trên Facebook ngày càng có xu hướng gia tăng, đỉnh điểm là thời điểm trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi phân tích các bài viết về bầu cử trong 3 tháng cuối cùng, trang tin BuzzFeed kết luận các trang tin giả tạo ra nhiều tương tác trên Facebook hơn cả từ 19 hãng tin lớn gộp lại.
Trong số 20 tin bài giả mạo có lượng tương tác cao nhất trong 3 tháng cuối có đến 8.710.000 lượt chia sẻ, tương tác và bình luận trên Facebook, hầu hết là ủng hộ ông Donald Trump. Một số tin giả như Giáo hoàng Francis ủng hộ Trump có tới gần 1 triệu tương tác.
Facebook sẽ mạnh tay ngăn chặn tin tức giả mạo. (Nguồn: DW) |
Nhằm đối phó với tình trạng này, trong một thông báo mới đây trên blog, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã tuyên bố sẽ triển khai một kế hoạch chống tin giả, tin sai lan truyền trên trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Cụ thể, Facebook sẽ thiết kế giao diện có thêm một nút ấn với tên gọi là “Tin giả” trên góc phải bài viết có dấu hiệu đáng ngờ, sau đó yêu cầu các tập đoàn truyền thông kiểm tra, đánh giá mức độ chính xác của bài viết này. Bài viết sẽ được thẩm định bởi rất nhiều người sử dụng Facebook. Sau khi có kết quả thẩm định, Facebook sẽ yêu cầu người sử dụng không chia sẻ nội dung bài viết được đánh giá là thông tin giả mạo này.
Tuy vậy, Mark Zuckerberg cho biết, đây chỉ là biện pháp mang tính tạm thời và có thể được thay đổi sau khi triển khai thí điểm.
3. Năm đen tối của Samsung
Sau nhiều năm chịu lép vế dưới cái bóng của Apple, năm 2016, Samsung đã hạ quyết tâm đánh bại iPhone 7 với “siêu phẩm” Galaxy Note7.
Nhìn từ bên ngoài, Note 7 xứng đáng được ca ngợi với thiết kế cạnh viền ấn tượng, màn hình có độ phân giải cao, pin khỏe, camera sắc nét, khả năng chống nước và không thể không kể đến… jack cắm tai nghe chuẩn 3,5mm truyền thống.
Note 7 đã biến năm 2016 thành năm thảm họa của Samsung. (Nguồn: Mashable) |
Tuy nhiên, thay vì mang đến vận may, Note 7 đã biến năm 2016 thành năm thảm họa của Samsung khi liên tục gặp sự cố phát nổ sau hai tuần ra mắt khiến hãng buộc phải ban hành lệnh thu hồi sản phẩm trên toàn cầu. Đây cũng là đợt triệu hồi sản phẩm di động lớn nhất trong lịch sử. Sau một lần đổi trả máy mới vẫn không mang về kết quả khả quan, Note7 chính thức bị khai tử chỉ sau hai tháng lưu hành.
Theo tờ Korea Herald, Samsung đã điều tra ra nguyên nhân Note 7 cháy nổ và gửi kết quả lên cơ quan chứng nhận an toàn UL (Underwriters Laboratories) và phòng thí nghiệm KTL (Korea Testing Laboratory). Tuy nhiên, hãng chưa vội công bố thông tin rộng rãi vì “chưa sẵn sàng”.
4. Công nghệ xe tự lái đạt nhiều bước tiến lớn
Năm 2016 là năm chứng kiến cuộc đua của ông lớn làng ô tô trong phát triển công nghệ xe tự lái. Trong khi Tesla cam kết sẽ lắp đặt và nâng cấp tính năng Autopilot (tự lái) cho tất cả các dòng xe của mình thì ứng dụng chia sẻ xe Uber đang từng bước thử nghiệm các mẫu xe tự lái trên các tuyến đường của thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ).
Nhiều ông lớn đang chạy đua trong phát triển công nghệ xe tự lái. (Nguồn: Mashable) |
Các hãng xe hơi truyền thống cũng “đứng ngồi không yên” trước sự phát triển của công nghệ xe tự lái. Audi đã cho ra mắt công nghệ xe tự lái cao cấp của mình. General Motors, Toyota… vừa tự phát triển phương tiện tự hành, vừa bắt tay với các công ty khởi nghiệp công nghệ như Lyft, Geft… để sớm cho ra đời các mẫu xe sử dụng công nghệ này.
5. An ninh mạng diễn biến khó lường
Những vụ tấn công mạng với quy mô lớn vốn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây nhưng những vụ việc xảy ra trong năm 2016 đã khiến cả thế giới phải lo ngại.
Việc hàng loạt các tổ chức (bao gồm cả WikiLeaks) có thể tiếp cận email mật của các chính trị gia hay việc Yahoo tuyên bố 1 tỷ tài khoản người dùng bị xâm phạm trong một vụ tấn công được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử hôm 15/12 đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ an toàn của các dữ liệu cá nhân.
Những vụ tấn công mạng năm 2016 khiến cả thế giới lo ngại. (Nguồn: Mashable) |
Sau cùng, vụ tấn công từ chối dịch vụ (Ddos) khổng lồ khiến hàng loạt website, dịch vụ online trên khắp nước Mỹ ngừng hoạt động hồi tháng 10 vừa qua đã đe dọa chính cả mạng Internet – ngôi nhà chung của thế giới.
6. Facebook Live lên ngôi
Mặc dù ra mắt có đôi chút muộn màng so với một số đối thủ nhưng tính năng Facebook Live đã nhanh chóng được người dùng ưa chuộng khi mở ra một cơ hội mới để tương tác và thu hút khán giả trong thời gian thực. Facebook Live đã được dùng để ghi lại mọi thứ, từ phong trào ủng hộ người da đen, tới thí nghiệm quả dưa hấu nổ tung của BuzzFeed, hay bà mẹ Candace Payne diễn trò với mặt nạ Chewbacca - đoạn video tính đến nay đã thu hút 161 triệu lượt xem.
Facebook Live đã có một năm thành công rực rỡ. (Nguồn: Mashable) |
Theo tính toán của tờ Wall Street Journal, trung bình một người dùng Facebook xem video trực tiếp lâu hơn gấp 3 lần so với các loại hình video khác.
7. Cuộc chiến giữa Apple và FBI
Người ta nhắc nhiều đến Apple trong năm 2016 không phải qua những màn ra mắt sản phẩm ấn tượng mà là việc Apple đã quả cảm chống lại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng iPhone.
Tháng 2/2016, khi FBI yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone thuộc sở hữu của một tên khủng bố để lấy dữ liệu, CEO Tim Cook đã đăng một bức tâm thư. Nội dung là Apple sẽ không bao giờ tạo ra một phần mềm gián điệp để không chỉ mở khóa chiếc điện thoại FBI yêu cầu, mà còn cả những chiếc điện thoại iPhone khác của hàng triệu người dùng.
CEO của Apple Tim Cook tuyên chiến với FBI để bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng iPhone. (Nguồn: Mashable) |
Hầu hết các công ty công nghệ đã lập tức ủng hộ Apple. Họ cho rằng, điều này tuy giúp cho công tác điều tra của chính phủ diễn ra thuận lợi, nhưng lại khiến cho tin tặc dễ dàng tấn công người dùng.
Vừa qua, trước thông tin tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị các hacker đánh chiếm, Apple chứng tỏ rằng họ đã đúng. “NSA quá tự tin bí mật của mình sẽ không bao giờ bị bại lộ. Thực tế cho thấy họ đã sai”, một chuyên gia công nghệ nhận định.
8. Năm của những vụ sáp nhập đình đám
Năm 2016 đã trở thành năm của những vụ sáp nhập lớn trong làng công nghệ thế giới. Mở đầu là thương vụ gã khổng lồ hết thời Yahoo rơi vào tay nhà mạng lớn nhất Mỹ Verizon với mức giá khiêm tốn 4,8 tỷ USD. Đây là mức giá gây bất ngờ cho nhiều người vì 2008, năm Yahoo từng từ chối lời mời của Microsoft với giá lên tới 45 tỷ USD.
Năm 2016 cũng là năm của những thương vụ sáp nhập đình đám. (Nguồn: Mashable) |
Microsoft cũng vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm mạng xã hội việc làm và tuyển dụng LinkedIn với giá 23 tỷ USD. Đây được xem là nỗ lực của Microsoft trước những đối thủ lớn là Google và Apple. Những thương vụ làm ăn hiệu quả giúp cổ phiếu của Microsoft đang ở mức cao kỷ lục.
Mới đây nhất, nhằm mở rộng từ hoạt động viễn thông và dịch vụ internet sang lĩnh vực truyền hình, mới đây gã khổng lồ viễn thông Mỹ AT&T đã duyệt chi số tiền 85,4 tỷ USD để mua lại Time Warner - công ty sở hữu các kênh truyền hình CNN, TNT, HBO, Warner Bros studio… và nhiều trang web khác. Trước AT&T, nhiều công ty công nghệ lớn như Verizon, Comcast hay Apple cũng tỏ thái độ quan tâm đến việc mua lại Time Warner.
9.Twitter trước tương lai mờ mịt
Nếu không có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, có lẽ năm 2016 sẽ trở thành năm tồi tệ nhất trong lịch sử của Twitter.
Kể từ khi quay lại nhậm chức CEO vào tháng 10/2015, đồng sáng lập của Twitter Jack Dorsey mới chỉ thu hút thêm được khoảng 10 triệu người dùng, trong khi mảng quảng cáo đang tụt dốc thê thảm, một loạt các lãnh đạo chủ chốt lần lượt dứt áo ra đi.
Twitter đang đứng trước nguy cơ phải "bán mình". (Nguồn: Gaja) |
Dư luận vẫn đang đồn đoán về một thương vụ “bán mình” sẽ diễn ra trong năm nay nhưng đáng tiếc là chưa có ông lớn nào ngỏ ý muốn mua lại mạng xã hội từng một thời là đối thủ sừng sỏ của Facebook. Nguyên nhân được cho là do Twitter đang dần mất uy tín bởi những bài post tràn ngập nội dung chửi rủa, trêu chọc và xúc phạm nhau của người dùng.
10. Công nghệ thực tế ảo có mặt ở khắp nơi nhưng…
Năm nay là năm công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ cập và có mặt ở khắp nơi nhưng lại chưa thể cất cánh do thiếu nội dung và sự đột phá.
Những bom tấn công nghệ được người dùng mong chờ như thiết bị thực tế ảo Oculus Rift của Facebook, kính thực tế ảo Vive của HTC hay kính thực tế ảo PlayStation VR của Sony…đều đã ra mắt chính thức. Trái ngược hẳn với mảng phần cứng, mảng nội dung – tức các game, ứng dụng, video… trên nền tảng thực tế ảo vẫn nghèo nàn và chưa tạo được tiếng vang.
Công nghệ thực tế ảo đang ngày càng phổ biến. (Nguồn: Mashable) |
Tuy vậy, người dùng yêu thích công nghệ thực tế ảo vẫn có thể kỳ vọng một tương lai tươi sáng của công nghệ này vì năm 2016 mới chỉ là năm mở màn cho những bước tiến xa hơn trong hệ sinh thái thực tế ảo. Sự thành công của công nghệ này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng.