📞

11 gói trừng phạt không đủ hạ gục Nga, châu Âu toan tính đẩy hàng tỷ USD ra khỏi 'túi' Moscow

Linh Chi 13:45 | 22/09/2023
EU đang "ấp ủ" một gói trừng phạt mới nhắm vào Nga, khi 11 gói trừng phạt cũ đến nay chưa đủ "hạ gục" nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và đất nước vẫn duy trì nguồn thu lớn từ xuất khẩu.
Một viên kim cương thô trong xưởng của Alrosa ở Moscow, Nga. (Nguồn: Reuters)

Hãng tin Bloomberg cho hay, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. Gói trừng phạt mới có thể được tung ra vào nửa đầu tháng 10 năm nay.

Theo đó, gói trừng phạt dự kiến nhằm ngăn chặn khả năng của Nga trong việc lách các lệnh trừng phạt của khối 27 thành viên thông qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Thêm nữa, nếu gói trừng phạt nói trên được thông qua, EU có kế hoạch sử dụng lãi từ khối tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị phong tỏa tại châu Âu. Khối đang nỗ lực tìm giải pháp sử dụng nguồn tài chính trên một cách hợp pháp để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.

Thậm chí, một số quốc gia như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic còn kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các dịch vụ liên quan đến khí đốt hóa lỏng (LNG) và lĩnh vực công nghệ thông tin của Nga. Nhóm các nước này cũng ủng hộ lệnh cấm vận nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân của Moscow.

Tại 11 gói trừng phạt trước, EU đã không thông qua những đề xuất đối với lĩnh vực công nghiệp hạt nhân, chủ yếu là do nhiều nước thành viên đang phụ thuộc vào nhiên liệu nguyên tử của Nga.

Bên cạnh đó, kim cương sẽ là mặt hàng tiếp theo của Nga bị châu Âu cấm vận.

Ngày 15/9 vừa qua, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Bỉ cho biết, nhóm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự định thông qua lệnh cấm nhập khẩu kim cương Nga trong vòng 2 đến 3 tuần tới.

Quy định này dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2024. Khi có hiệu lực, việc mua hàng sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm trực tiếp, trong khi lệnh cấm vấn gián tiếp sẽ được tiến hành sau đó.

Hồi tháng 5/2023, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra cam kết hạn chế buôn bán kim cương được khai thác, xử lý hoặc sản xuất ở Nga nhằm nỗ lực cắt giảm thêm doanh thu của Moscow. Nhóm này tuyên bố sẽ hạn chế hoạt động buôn bán kim cương trị giá 4,5 tỷ USD của Nga bằng cách sử dụng các phương pháp truy vết công nghệ cao.

Thương mại kim cương của Nga, trị giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga đạt 489,8 tỷ USD vào năm 2021, với dầu khí chiếm 240,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, Nga là nước xuất khẩu kim cương lớn nhất thế giới tính theo số lượng, tiếp sau đó là các nước châu Phi. Một công ty nhà nước tên là Alrosa dẫn đầu hoạt động khai thác kim cương của Nga và công ty này đã khai thác gần một phần ba số kim cương trên thế giới vào năm 2021.

Những nỗ lực trừng phạt đá quý của Nga ở châu Âu trước đấy đã vấp phải sự phản đối từ các quốc gia nhập khẩu hàng đầu như Bỉ - nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Antwerp. Quốc gia này cho rằng, một lệnh cấm đơn giản mà không có thỏa thuận toàn cầu sẽ chỉ chuyển hoạt động buôn bán đá quý tại Nga sang nơi khác.

Trong khi đó, ông Hans Merket, một nhà nghiên cứu tại Dịch vụ Thông tin hòa bình quốc tế nhận định, kim cương có thể đổi chủ từ 20 đến 30 lần từ khi bắt đầu rời khu mỏ và tới thị trường. Thông thường, đá quý đi qua các trung tâm toàn cầu chính của Antwerp, Dubai, Mumbai và Ramat Gan, gần Tel Aviv.

Ông nói: "Người dân ở các nước G7 mua khoảng 70% số kim cương trên thế giới. Do đó, lệnh cấm kim cương Nga có thể có hiệu lực và tác động đến các nước này nếu các viên kim cương có thể được truy xuất nguồn gốc".

Nhà nghiên cứu này cho biết thêm, công ty Alrosa hiện chiếm khoảng 30% thị phần kim cương toàn cầu và hơn 90% kim cương được cắt, đánh bóng ở Ấn Độ. Sau khi được gia công tại Ấn Độ, các viên đá quý sẽ nhận giấy chứng nhận từ cơ quan quản lý của quốc gia Nam Á. Do đó, ông Hans Merket nói rằng, phương Tây “gần như không thể” xác định được nguồn gốc của kim cương trong các món đồ trang sức.

Trên thực tế, Nga đã chuyển hoạt động buôn bán kim cương của mình sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Armenia và Belarus. Trong khoảng thời gian gần đây, những thị trường này đều chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về kim cương thô và kim cương cắt từ Nga.

Ngày 18/9, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nền kinh tế Nga đã phục hồi hoàn toàn sau thời gian chống chịu áp lực trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh: "Có thể nói rằng, giai đoạn phục hồi nền kinh tế Nga đã hoàn thành. Chúng ta đã trụ vững trước áp lực bên ngoài, với những lệnh cấm vận không ngừng nghỉ từ giới lãnh đạo phương Tây và một số quốc gia không thân thiện".

Theo Janis Kluge, chuyên gia cấp cao tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức (SWP) cho hay, Moscow có thể dựa vào hàng tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu để tiếp tục bổ sung ngân sách trong những năm tới. Nửa đầu năm 2023, Nga đã thu về hơn 200 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, quá đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Ngay cả khi biện pháp áp trần giá dầu của G7 với Nga phát huy hiệu quả, Moscow vẫn có thể đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD mỗi năm".

(theo Bloomberg, Reuters)