Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 4 tháng qua đạt 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 4 tháng qua. (Ảnh minh họa: KT) |
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất trong 4 tháng qua, với tổng vốn đăng ký là 7,36 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực khai khoáng; bán buôn, bán lẻ.
Trong số 83 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 4,05 tỷ USD, chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Nhật Bản; Singapore. Địa phương thu hút FDI mạnh nhất trong 4 tháng qua là tỉnh Bắc Ninh, với số vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD, chiếm trên 25,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Bình Dương; Kiên Giang.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, môi trường đầu tư được đánh giá đang cải thiện mạnh mẽ, theo hướng công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đầu tư nước ngoài của năm 2017 có những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
“Việt Nam đang đón nhận các nhà đầu tư từ châu Âu khi khu vực này cũng đang có những khó khăn từ Brexit và họ đang tận dụng những cơ hội, những hiệp định thương mại song phương và đa phương đã kí kết để bù đắp lại những tổn thất. Sự giao thương Việt Nam – Eu, từ đó hi vọng sẽ có thuận lợi hơn. Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải tạo lập được được hạ tầng, môi trường đầu tư hấp dẫn, bên cạnh đó là tính minh bạch, đảm bảo sở hữu trí tuệ để đảm bảo thu hút đầu tư tốt hơn”, ông Toàn cho biết thêm.