📞

12 trường ASEAN lọt vào tốp 100 đại học châu Á

13:01 | 15/06/2015
Lần thứ hai liên tiếp, trường Đại học Quốc gia Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tổ chức QS (Quacquarelli Symonds).
Chỉ có năm nước ASEAN trong danh sách 100 trường đại học “xịn” nhất châu Á.

12 trường của năm nước ASEAN có tên trong danh sách tốp 100 trường đại học châu Á dựa trên đánh giá của QS, cơ quan xếp hạng các trường đại học có uy tín trên thế được thành lập từ năm 1990. Trong đó, chỉ có Singapore xuất hiện trong tốp 10 với Đại học Quốc gia Singapore (thứ nhất) và Đại học Công nghệ Nanyang (thứ tư). Như vậy, đây là lần thứ hai, Đại học Quốc gia Singapore “qua mặt” 300 trường đại học khác ở khắp châu Á.

Malaysia là nước có nhiều trường nhất nằm trong tốp 100, gồm năm trường là Đại học Malaya (thứ tự 29), Đại học Sains Malaysia (49), Đại học Kebangsaan Malaysia (56), Đại học Teknologi Malaysia (61) và Đại học Putra Malaysia (66). Thái Lan có ba trường là Đại học Mahidol (44), Đại học Chulalongkorn (53) và Đại học Chiang Mai (99). Đại diện duy nhất của Indonesia có mặt trong danh sách là Đại học Indonesia (79) và của Philippines là Đại học Philippines (70).

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong khoảng 151-200, còn trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong khoảng 201-300.

Ra đời năm 2009, bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của QS đánh giá 300 trường đại học hàng đầu của châu Á dựa trên một phương pháp được thiết kế để phản ánh những thách thức cũng như ưu tiên của khu vực.

Nằm trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa Xã hội, giáo dục làm một trong những lĩnh vực chủ chốt trong hội nhập khu vực của khối ASEAN. Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ ra đời vào cuối năm 2015, đánh dấu sự khởi đầu của thương mại tự do giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN, đồng nghĩa với việc lưu thông tự do hàng hóa và dịch vụ, trong đó có dịch vụ giáo dục.

Đón đầu sự hội nhập này, các nhà phân tích cho rằng, các nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào việc giáo dục người dân, khuyến khích sự trao đổi giáo dục và đưa nội dung nghiên cứu ASEAN vào trong các chương trình giảng dạy.

Hạnh Diễm (theo Rappler.com)