"Xanh hóa" Australia
Bà Naila Mazzucco, Ủy viên cấp cao của bang Victoria phụ trách khu vực Đông Nam Á (Australia) cho biết bang này hướng tới mục tiêu giảm phát thải tới 80% vào năm 2035. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Bà Naila Mazzucco, Ủy viên cấp cao của bang Victoria phụ trách khu vực Đông Nam Á (Australia) cho biết, Victoria là bang đi đầu trong nỗ lực giảm phát thải, ban hành luật và cam kết hướng tới mục tiêu giảm phát thải tới 80% vào năm 2035. Bang Victoria hiện tập trung 4 trụ cột chính về chuyển đổi năng lượng và xanh hóa. Trụ cột đầu tiên là đảm bảo tương lai năng lượng tái tạo, trong đó bang Victoria đặt mục tiêu đạt 95% năng lượng tái tạo vào năm 2035.
“Để đạt được điều này, chúng tôi đang đầu tư vào các công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Australia, đầu tư ngành giao thông vận tải để đạt phát thải ròng bằng không, xem xét ứng dụng công nghệ hydro và xe điện, điều mà TP. HCM cũng đang quan tâm”, bà Naila Mazzucco nhấn mạnh.
Lĩnh vực thứ hai mà bang Victoria đầu tư là hỗ trợ ngành công nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tập trung nâng cao và đào tạo lực lượng lao động trong tương lai, cũng như quản lý việc các ngành công nghiệp đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và tiêu chuẩn ESG.
Chẳng hạn, bang Victoria đã đầu tư đáng kể vào các sáng kiến quan trọng như Sáng kiến Net Zero của Đại học Melbourne, với khoản đầu tư 1 triệu USD để nâng cấp cơ sở vật chất và biến trường thành một trung tâm thử nghiệm các công nghệ phát thải thấp. Lĩnh vực thứ ba là hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hiện 1/3 hộ gia đình ở bang Victoria đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Bà Naila Mazzucco cho biết: “Lĩnh vực cuối cùng là giảm phát thải trong giao thông vận tải. Đây là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở bang Victoria, và chúng tôi đã phát triển một số sáng kiến giúp giảm phát thải và chuyển sang hệ thống giao thông phát thải ròng bằng không. Chúng tôi đã thử nghiệm xe buýt điện và xe buýt chạy bằng hydro trong ba năm để đánh giá dữ liệu, tác động đến thành phố và hành khách”. TP. HCM cũng triển khai một sáng kiến tương tự, với gần 1/3 xe buýt công cộng hoạt động bằng điện và đặt mục tiêu 100% xe buýt điện vào năm 2030.
13 khuyến nghị dành cho TP. HCM
Ông Yoni Sappir, Chủ tịch công ty Israel Earth Guardians (IEG) và Giám đốc điều hành công ty Future gửi tài liệu chuyên sâu tới TP. HCM với 13 khuyến nghị về chuyển đổi công nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Ông Yoni Sappir, Chủ tịch công ty Israel Earth Guardians (IEG) và Giám đốc điều hành công ty Future bày tỏ niềm ấn tượng trước thái độ và quyết tâm của lãnh đạo và người dân TP. HCM trong việc thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp. Israel có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thú vị, chẳng hạn việc chuyển đổi công nghiệp trong nông nghiệp đỏi hỏi tối ưu hóa nhiều quy trình như tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, quy trình bón phân và lượng nước. Israel cũng có nhiều kinh nghiệm trong quản lý giao thông vận tải chạy bằng điện và phân phối trạm sạc công cộng.
“Do Israel thiếu đất, chúng tôi thường phải duy trì sử dụng đất đa chức năng. Đó là lý do tại sao có nhiều giải pháp đặc thù ở Israel về sản xuất năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo”, ông Yoni Sappir cho biết.
IEG đã gửi tài liệu chuyên sâu tới TP. HCM với 13 khuyến nghị, bao gồm nhiều trụ cột như phát thải ròng bằng không, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh. Với mỗi khuyến nghị, IEG đưa ra một nghiên cứu điển hình từ các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Australia, Trung Quốc và Italy.
TP. HCM cần lưu ý một số đề xuất chính gồm: tăng cường giảm phát thải, thích ứng với chính sách thuế carbon, thiết lập thị trường giao dịch carbon, đẩy nhanh quá trình loại bỏ than, đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, thành lập quỹ bền vững, hỗ trợ công nghệ thực phẩm và công nghệ nông nghiệp, vì công nghệ thực phẩm và công nghệ nông nghiệp chiếm khoảng 23% GDP Việt Nam vào năm 2021.
Theo đại diện IEG, Việt Nam nên thúc đẩy sản xuất thép xanh như cách mà Tây Ban Nha đang thực hiện. Tiếp theo là đầu tư vào công nghệ CCS, thu giữ và lưu trữ carbon trong ngành công nghiệp xi măng, do ngành công nghiệp xi măng ở Việt Nam chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải khí nhà kính nên nước ta cần chú trọng khía cạnh này. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tái cấu trúc ngành công nghiệp xe điện, đặc biệt là phân phối nhiều trạm sạc công cộng hơn.
Nền kinh tế đổi mới
Ông Lee Seok Hee, Cố vấn chính sách tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc gửi gắm một số bài học chuyển đổi công nghiệp tại khu vực. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Chia sẻ kinh nghiệm địa phương trong chuyển đổi công nghiệp, ông Lee Seok Hee, Cố vấn chính sách tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên đổi mới bằng cách thiết lập hệ thống hỗ trợ cho đổi mới sản xuất thông minh, phân phối nhà máy thông minh, thử nghiệm 5G và thâm nhập thị trường toàn cầu với mục tiêu tạo ra một khu phức hợp công nghiệp trung tâm tại Khu công nghiệp quốc gia Gumi”.
Dựa trên nền tảng này, Khu công nghiệp quốc gia Gumi được xem là khu phức hợp chuyên về ngành công nghiệp bán dẫn, cung ứng quân sự và quốc phòng, nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên đổi mới.
Hệ thống quản lý tổng thể của tỉnh Gyeongsangbuk dựa trên hoạt động nghiên cứu. Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh thông qua việc củng cố nền tảng khoa học và công nghệ, đồng thời đảm bảo năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Nói cách khác, tỉnh Gyeongsangbuk muốn tăng cường các biện pháp hỗ trợ dựa trên khoa học và thực tiễn, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty vừa và các tập đoàn lớn trong một chu trình khép kín. Quá trình này gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển và thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ kinh doanh và marketing, cũng như đào tạo nhân lực chuyên môn.