📞

13 thành phố lớn cam kết không sử dụng nhiên liệu dầu mỏ

09:42 | 24/10/2017
Ngày 23/10, tại Paris, các thị trưởng của 13 thành phố lớn trên thế giới đã cam kết từ nay đến năm 2030 sẽ làm cho thành phố của họ "xanh hơn", "sạch hơn" và nhất là "không sử dụng nhiên liệu dầu mỏ". 

Các thành phố này gồm: Paris (Pháp), London (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha), Quito (Ecuador), Vancouver (Canada), Mexico City (Mexico), Copenhagen (Đan Mạch), Seattle, Los Angeles (Mỹ), Cape Town (Nam Phi), Auckland (New Zealand), Curitiba (Brasil) và Milan (Italy).

Nằm trong mạng lưới C40 (nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu) gồm 91 thành phố lớn của thế giới, các thị trưởng của 13 thành phố trên đã ký vào bản cam kết, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Together4Climate (Cùng nhau bảo vệ môi trường) hiện đang diễn ra ở thủ đô Paris.

Một chiếc xe buýt chạy điện của nhà sản xuất Mỹ Proterra. (Nguồn: Proterra)

Bản cam kết chỉ rõ, từ nay đến năm 2030, mỗi thành phố đều có những "khu vực không khí thải", nơi mà các xe chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ bị cấm lưu thông. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức, 1/3 lượng phát thải khí nhà kính tại các thành phố lớn là do các phương tiện giao thông.

Chính vì vậy, các thành phố khuyến khích người dân đi bộ và đi xe đạp nhiều hơn. Mạng lưới các phương tiện công cộng cũng được mở rộng để phục vụ số lượng hành khách lớn hơn. Số lượng các phương tiện cá nhân sẽ bị hạn chế.

Nhiều thành phố đã không chờ đợi có bản cam kết trên mới bắt đầu hành động. Paris từ năm 2015, tiếp đó là Mexico, Athens và Madrid vào năm 2016 đã hạn chế các xe quá cũ chạy vào thành phố và quyết tâm cấm các xe chạy dầu diesel kể từ năm 2025.

Barcelona cũng đã bắt đầu triển khai các biện pháp cần thiết từ đầu năm nay và tuyên bố không cấp phép cho xe taxi chạy dầu diesel kể từ năm 2019. London và Milan còn đi xa hơn nữa, khi thiết lập một trạm thu phí vào trung tâm thành phố. London thậm chí còn quyết định đánh thuế từ ngày 23/10 đối với tất cả các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Theo bà Shannon Lawrence, Giám đốc sáng tạo ý tưởng của mạng lưới C40, thông qua bản cam kết, các thị trưởng muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các thị trưởng muốn tạo ra đòn bẩy để khuyến khích cạnh tranh về vật liệu sạch và thúc đẩy sự phát triển của các ngành không phát thải khí carbon.

Vào tháng 10/2015, 26 thị trưởng thuộc mạng lưới C40 đã ký Tuyên bố sử dụng xe bus sạch. Bà Lawrence nhận định: "Điều này đã thuyết phục các nhà sản xuất về một thị trường tiềm năng và khuyến khích họ đầu tư vào sản xuất xe bus thế hệ mới".

Ví dụ ở London, giá xe bus hybrid (xe bus lai sử dụng động cơ xăng - điện) đã giảm 10%. Hai năm một lần, các thị trưởng sẽ ra một bản báo cáo về tiến độ thực hiện cam kết của các thành phố.

(theo Curbed)