📞

130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chí nước ngoài ca ngợi 'người viết nên trang sử mới của Việt Nam'

Thế Việt 08:00 | 18/05/2020
TGVN. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), báo chí Hàn Quốc, Ai Cập và Bangladesh mới đây có bài viết thể hiện sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký‎ Sắc lệnh số 1, công bố Hiến pháp mới năm 1959 - Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hiện thân của lý tưởng yêu nước

Tờ AJU của Hàn Quốc mới đây đăng bài viết của Giáo sư Ahn Kyung-Hwan tại trường Đại học Chosun ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở đầu bài viết, Giáo sư Ahn Kyung-Hwan khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một trang sử mới của Việt Nam, được nhân dân Việt Nam kính trọng như vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Tác giả cũng dẫn lại bài báo đăng trên tạp chí Times của Mỹ khi Bác qua đời ngày 2/9/1969, khẳng định: "Không có nhà lãnh đạo quốc gia nào khác trên thế giới đấu tranh bền bỉ và kiên cường trước lưỡi gươm của kẻ thù như Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Giáo sư Ahn Kyung-Hwan nhấn mạnh thêm rằng vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".

Bài viết của Giáo sư Ahn Kyung-Hwan khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lý tưởng yêu nước, Người đã dành cả cuộc đời cho độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, là một nhà lãnh đạo vĩ đại được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng.

Bài viết cũng đề cập Chủ tịch Hồ Chí Minh thành thạo tiếng Trung, Pháp, Anh, Nga và tiếng Thái. Trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc, Người đã sáng tác tập thơ “Nhật ký trong tù”, một kiệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam. Giáo sư Hàn Quốc cũng dành nhiều tình cảm viết về thời thơ ấu cũng như gia đình và Làng Sen quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Ahn Kyung-Hwan cũng cho rằng những hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan trọng đối với việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Người đặt nền móng quan hệ Việt Nam-Ai Cập

Tờ The Egyptian Gazette (Công báo Ai Cập) số ra ngày 16/5 đã dành cả trang 6 để đăng trang trọng bài viết có tựa đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh của Người trên đất nước Kim tự tháp” của nhà báo Hany Abdel Fattah.

Bài báo tập trung giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò của Người đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; về hình ảnh của Người trên đất nước Kim Tự Tháp thông qua 3 chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ai Cập và mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ai Cập Gamal-Abdel-Nasser lúc sinh thời.

Theo nhà báo Fattah, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng kiệt xuất của đất nước Việt Nam, một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ XX. Đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Sự lãnh đạo kiệt xuất của Người trong cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng thế giới nhất là tại các dân tộc thuộc địa ở châu Phi và Mỹ Latinh. Người dân các nước châu Phi cũng như các nước yêu chuộng hòa bình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một sự kính trọng vô cùng lớn lao. Nhiều người nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng thân thương “Cụ Hồ” hay “Bác Hồ”.

Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm Ai Cập năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đặt chân trên đất nước Ai Cập vào các năm 1911, 1946 (2 lần). Ngày 30/6/1911, con tàu La Touche Treville cập cảng Port Said ở phía Bắc kênh đào Suez đưa Người lần đầu tiên đến với đất nước Ai Cập. Ngày 8/6/1946, Hồ Chí Minh đến Ai Cập và có dịp gặp gỡ người dân, thăm Viện Khảo cổ Ai Cập, thăm những kim tự tháp nổi tiếng của quốc gia Bắc Phi này.

Sau đó vào ngày 22/6/1946, trên chặng đường về nước từ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm cảng Port Said, nơi Người từng đặt chân lần đầu cách đây tròn 35 năm. Vì coi trọng Ai Cập là một nước có tầm ảnh hưởng và vị thế tại Bắc Phi, và dành nhiều tình cảm quý mến đất nước và con người Ai Cập, Hồ Chí Minh đã sớm cho đặt cơ quan đại diện Kinh tế của Việt Nam tại Ai Cập vào năm 1958; cùng Tổng thống Abdel Nasser đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Ai Cập phát triển tốt đẹp cho đến ngày nay.

Theo tác giả Fattah, nhắc tới Hồ Chủ tịch, người dân Ai Cập luôn dành cho Người một sự ngưỡng mộ và vô cùng kính trọng. Nhiều người đặc biệt ấn tượng và cảm mến trước hình ảnh giản dị và gần gũi của vị lãnh tụ Việt Nam tại Kim tự tháp Saqqara hồi năm 1946.

Hành trình "Người đi tìm ánh sáng"

Trong bài viết đăng trên báo Bangladesh, bà Pooja Sengupta, Giám đốc nghệ thuật, sáng lập Nhà hát vũ kịch Turongomi của Bangladesh đã chia sẻ về tâm tư, tình cảm nhân dân Bangladesh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Pooja Sengupta chính là nhà nghiên cứu, biên đạo múa vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (công diễn tháng 9/2019). Trong bài viết, bà cũng "bật mí" những trăn trở, gian nan trong quá trình tái hiện cuộc đời của Người trong tác phẩm này.

Xuyên suốt quá trình biên đạo vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã cảm nhận được âm thanh văng vẳng của tiếng máy đánh chữ xung quanh, như thấy được ánh mắt kiên định có thể nhìn thấu tâm hồn mình.

Bà như được chứng kiến cuộc đấu tranh của một thanh niên dù chỉ có thể kiếm sống qua ngày nhưng làm việc hết sức chăm chỉ, tiết kiệm từng đồng để mua máy in in tờ rơi.

Và chỉ với những tờ rơi này, người thanh niên ấy đã khơi dậy sự đồng cảm của thế giới với nỗi thống khổ của dân tộc mình, để rồi cả thế giới chung tay hiện thực hóa giấc mơ giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Theo bà Sengupta, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo người dân Bangladesh ngưỡng mộ, giống như ở Việt Nam. Người đã trở thành hình tượng một chính trị gia đầy cống hiến trong lòng người dân Bangladesh.

Một cảnh trong vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (công diễn tháng 9/2019) mà bà Pooja Sengupta chính là nhà nghiên cứu, biên đạo múa.

Bà Sengupta chia sẻ đội ngũ của bà đã tập trung vào hai việc – nghiên cứu về cuộc đời Bác Hồ qua tư liệu sách báo, phim tài liệu về Người và Thế chiến II, và đồng thời viết kịch bản. Quá trình tái hiện cuộc đời của Hồ Chủ tịch vô cùng khó khăn, vì cuộc đời của Người nhiều biến động và ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí.

Chỉ kể lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian 40 phút đã quá khó, tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật cho khán giả quốc tế còn gian nan gấp bội. Riêng việc dựng một tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một thách thức lớn, và còn lớn hơn khi xây dựng một tác phẩm chính thức cho Chính phủ Việt Nam.

Bà chia sẻ: "Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo và cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh khi dựng vở kịch này. Những nghệ sĩ của Nhà hát vũ kịch Turongomi và sinh viên của Trường múa Turongomi đã làm việc rất hăng say để thể hiện tác phẩm. Trở thành một phần trong hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua sáng tạo nghệ thuật thực sự là một niềm tự hào của cá nhân tôi, các thành viên trong nhóm và của đất nước tôi".

Kết thúc bài viết, bà Sengupta gửi lời chúc mừng chân thành đến nhân dân Việt Nam và những người yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.

Bà nhấn mạnh: "Hồ Chí Minh là tên mà Người đã chọn cho mình. Nó có nghĩa là Người mang lại ánh sáng. Ánh sáng Người đã dày công thắp lên, chính là ánh sáng lương tri trong chúng ta, soi sáng tâm hồn mỗi chúng ta".

(tổng hợp)