Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng. |
Họ hài lòng về hai thập kỷ ấn tượng trong quan hệ song phương, chuyển từ tình trạng thù địch trở thành đối tác toàn diện; họ hy vọng về tương lai tốt đẹp và tiến xa hơn nữa. Một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khả quan, một chính sách xoay trục thực chất… là nền tảng để niềm tin ấy trở thành sự thật.
Đối tác mạnh mẽ
“Nếu gói gọn quan hệ Mỹ - Việt Nam trong một vài từ thì tôi muốn nói đây là quan hệ đối tác mạnh mẽ (powerful partnership), phát triển dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi”, Đại sứ Mỹ Ted Osius khẳng định.
Ông Ted Osius cho rằng hai nước đang cùng nhau sẻ chia tầm nhìn, hướng tới quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Không chỉ dừng lại ở cấp độ song phương, Mỹ - Việt còn cần đến nhau trong hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, động vật hoang dã… với mục tiêu phát triển bền vững. Ở cấp độ khu vực, Mỹ và Việt Nam cũng cần hợp tác để bảo đảm hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trước tranh chấp đang diễn ra tại vùng biển quan trọng này, ông Ted Osius nhấn mạnh Mỹ ủng hộ các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, trên tinh thần tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
“Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực, hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng”, Đại sứ nói. Đồng thời, ông cho biết Mỹ hoàn toàn đồng thuận với cách ứng xử của Việt Nam tại Biển Đông.
Năm 2015 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đại sứ Ted Osius mong muốn với 12 tháng đầy ắp các sự kiện kỷ niệm sẽ là cơ hội để hai bên ôn lại chặng đường đã qua và hy vọng vào tương lai phía trước. Ông Ted Osius lạc quan về khả năng hoàn tất đàm phán TPP cuối năm nay và cho rằng TPP sẽ thúc đẩy Việt nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Xoay trục thực sự
Ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 1995-2001 cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này, làm sao để Mỹ trở thành nhà đầu tư số một vào Việt Nam.
Đại sứ nhấn mạnh chỉ khi làm được điều này thì nền tảng quan hệ Việt–Mỹ mới thực sự vững chắc, nâng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nâng mối quan hệ 20 tuổi lên tầm cao mà người khác phải kính nể. Theo ông, Amcham Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt thực hiện sứ mệnh này.
Theo Đại sứ, hiện tại là thời điểm “vàng” để Việt Nam “hút” ưu ái của Mỹ dành cho khu vực trong chính sách xoay trục mà Tổng thống Obama đưa ra từ năm 2010. Năm năm trước, chính quyền của ông Obama còn bận rộn với bộn bề chiến trường Iraq, Afghanistan và chưa khôi phục được nền kinh tế sau “cú đánh” khủng hoảng toàn cầu năm 2008. 2015, Mỹ đã trở về là một trong những nước phương Tây phát triển nhất, vấn đề thâm hụt ngân sách phần nào được khắc phục, Trung Đông dần đi vào khuôn khổ, đã đến lúc Mỹ thực chất hóa chính sách xoay trục của mình. Như vậy, Việt Nam phải tận dụng, đón nhận cơ hội đó.
Hơn nữa, ngày 16/4 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã nhất trí trao đặc quyền (cơ chế đàm phán nhanh “fast-track”) cho Tổng thống Barack Obama nhằm hoàn tất đàm phán TPP, một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Quốc hội Mỹ đã “bật đèn xanh” cho TPP được thông qua, niềm vui này không chỉ là của chính quyền Tổng thống Obama mà còn của cả Việt Nam với hy vọng đàm phán TPP sớm kết thúc vào cuối năm nay, mở ra con đường hội nhập kinh tế sâu rộng.
Điểm đến ưu tiên
Nhìn Việt Nam dưới con mắt của nhà đầu tư, ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Amcham Việt Nam cũng nhắc đến TPP và tiềm năng của nó như Đại sứ Lê Văn Bàng và Đại sứ Ted Osius nhưng ông tập trung phân tích và quan tâm hơn tới bước chuyển mình của tổng thể nền kinh tế Việt.
Thứ nhất, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều cải cách quan trọng, cụ thể là tập trung vào lĩnh vực tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để cải thiện nền kinh tế. Đây là bước đi đúng để hội nhập kinh tế, cho thấy Việt Nam là môi trường tốt để chúng tôi hướng tới”.
Điều thứ hai theo ông Gaurav Gupta mà Việt Nam đang làm tốt là đầu tư vào giáo dục. Hiện nay, số lưu học sinh Việt Nam tại Mỹ lên đến khoảng 17 nghìn, đứng thứ tám trong số các nước có sinh viên đang học tập tại Mỹ và đứng đầu các nước ASEAN. Một nền giáo dục tốt sẽ là nền tảng cho Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, minh bạch, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác với nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ.
Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mang lại cho Việt Nam sau năm 2015. AEC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Amcham tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường mười nước thành viên ASEAN, Việt Nam sẽ là điểm đến ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Tuy vậy, Việt Nam phải tiếp tục cải cách kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo để có thể vững bước trong một thị trường mở như AEC, nơi mà chất lượng và trách nhiệm sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế.
“20 năm trong quan hệ giữa hai quốc gia không phải là thời gian dài, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự rất ấn tượng, đã chuyển mối quan hệ từ tình trạng thù địch trở thành đối tác và nay là Đối tác toàn diện. Là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác then chốt trong khu vực, đó là Cộng đồng ASEAN, APEC, TPP, RCEP… chúng tôi hoan nghênh và trông đợi tiềm năng mở rộng và gắn kết các khuôn khổ này để hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do năng động của toàn châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP)”. (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Gala Dinner ngày18/4) |