📞

2016: Năm của nhiều bất ngờ

11:33 | 26/12/2016
Tờ Le Figaro (Pháp) đã điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm vừa qua và đề xuất hai hướng đi cho ngành ngoại giao Pháp. 
Chính phủ Anh đối mặt với nhiều khó khăn trong nước hậu Brexit. (Nguồn: BBC)

Brexit khai màn 

Bất ngờ thứ nhất theo ông Renaud Giraud - tác giả bài viết, chính là Brexit. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6, cử tri Anh đã quyết định chấm dứt 43 năm “chung sống” với Liên minh châu Âu (EU). Nguy cơ tan rã của khối manh nha xuất hiện. Nhiều người cho rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu này trước hết là do tâm lý bất mãn của người dân Anh trước giới cầm quyền, và điều này đang dần phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.

Ông Giraud dẫn nhận định của nhà địa lý học Christophe Guilluy cho rằng, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng phương Tây, giữa một bên là vài khu đô thị hội nhập tốt với toàn cầu hóa và bên kia là những vùng phụ cận rộng lớn, những nơi chịu sự thiệt thòi của sự toàn cầu hóa. 

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố chính sách quân sự mới ngày 6/12. (Nguồn: AP)

Donald Trump, Nga và Trung Quốc 

Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 là bất ngờ lớn thứ hai, cũng được cho là kết quả của sự bất bình trong dân chúng. Theo ông Giraud, chiến thắng của ông Trump không phải là sự khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của nước Mỹ. Khi bỏ phiếu chọn Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái khung nền dân chủ.

Thực tiễn này đang diễn ra tại ba cường quốc quân sự phương Tây với những đại diện là Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và ứng cử viên tổng thống Pháp cánh hữu Francois Fillon, những người cùng chia sẻ ý tưởng rằng đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại giao với Moscow. Trong khi đó, Washington đang đi theo một lộ trình ngoại giao khác hẳn với năm 1972. Vào đầu những năm 1970, Nixon và Kissinger xích lại gần với Trung Quốc để chống Liên Xô, thì ngày nay, Donald Trump sẽ tìm cách xích lại gần Nga để chia rẽ nước này với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: AFP)

Rodrigo Duterte 

Ông Giraud cho rằng, việc Mỹ xích lại gần Nga cũng do một bất ngờ lớn thứ ba trong năm 2016, đó là nền chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế. Tháng 5, Rodrigo Duterte - một người có xu hướng dân túy - đã đắc cử tổng thống và tung ra một chiến dịch bài trừ ma túy gây nhiều chấn động. 

Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ kể từ khi giành được độc lập, tuy nhiên nhà lãnh đạo Philippines vẫn quyết định chấm dứt mối quan hệ đặc quyền này và xích lại gần hơn với Trung Quốc. Nguy cơ để mất đồng minh Philippines đã khiến chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á chao đảo. 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trả lời phỏng vấn tại Phủ Tổng thống tại thủ đô Damascus, Syria. (Nguồn: AP)

Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ 

Bất ngờ thứ tư, theo tác giả Giraud, là bản đồ địa chính trị Trung Đông đang thay đổi do sự lật ngược ngoạn mục tình hình Syria theo hướng có lợi cho chế độ Bashar al-Assad. Tháng 9/2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng như có thể chiếm được Damascus. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga đã “cứu” chế độ Assad trong "đường tơ kẽ tóc" và thậm chí còn giúp lực lượng này tái chiếm Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Và giờ, Nga có thể coi là đang nắm vị thế chủ đạo trong khu vực. 

Cuộc đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 do một nhóm binh sĩ quân đội, bị Chính quyền Ankara cáo buộc là có liên hệ với Giáo sỹ Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm. Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực. 

Với vị thế được tăng cường ở trong nước và ý định giữ khoảng cách với Mỹ, Tổng thống Erdogan đã triển khai một chính sách thực dụng là hòa giải với Nga, khép lại một trang quan hệ song phương tồi tệ sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga. Vụ Đại sứ Nga tại Ankara bất ngờ bị ám sát ngày 19/12/2016 có lẽ sẽ không thể làm thay đổi tình thế. 

Nước Pháp sẽ làm gì trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi. (Nguồn: Newsweek)

Bài học nào cho ngoại giao Pháp? 

Ông Giraud cho rằng, với những gì diễn ra trong năm vừa qua, ngành ngoại giao Pháp có thể rút ra kinh nghiệm theo hai hướng chủ đạo. Thứ nhất là sự nhạy bén và thực tiễn. Trước những diễn biến bất ngờ, sự linh hoạt, mềm mỏng và thực dụng là điều vô cùng cần thiết. Ông Giraud khẳng định các nhà ngoại giao Pháp cần phải xem xét mọi vấn đề trên phương diện có thể đảm bảo hiệu quả và bảo tồn các lợi ích của đất nước. 

Thứ hai, theo ông Giraud, là sự độc lập tự chủ của quốc gia. Trong một thế giới ngày càng bấp bênh và bất ổn, với nhiều diễn biến khó lường, ngay từ chính những đồng minh có thể coi là thân cận nhất, việc tự lực cánh sinh là điều vô cùng cần thiết và nước Pháp chỉ có thể tồn tại nếu biết đứng vững trên đôi chân của chính mình. 

(theo Le Figaro)