📞

2017 - năm bước ngoặt trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN

18:15 | 07/02/2017
Trong khi ASEAN đang hướng tới dấu mốc 50 năm thành lập (1967-2017), Ấn Độ cũng đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối tác đối thoại với Hiệp hội này (1992-2017). 

Năm 2017 cũng đánh dấu 15 năm đối thoại Ấn Độ - ASEAN ở cấp Hội nghị Cấp cao kể từ Hội nghị Cấp cao đầu tiên vào năm 2002 tại Phnom Penh, Campuchia. Hơn nữa, đây còn là năm kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa nền kinh tế lớn thứ ba châu Á với một trong những nhóm kinh tế thành công nhất trên thế giới.

Chào mừng 25 năm quan hệ Ấn Độ - ASEAN, New Delhi lên kế hoạch một loạt sự kiện, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận dịch vụ hàng không, đoàn diễu hành xe ô tô và một cuộc thám hiểm hải quân ở khu vực này. Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, các hoạt động "đặc biệt nhấn mạnh về kết nối đường bộ và hàng hải, ngoài kết nối hàng không giữa Ấn Độ với khu vực”.

Hợp tác hải quân là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN. (Nguồn: India Defense News)

Đáng chú ý là sự quan tâm của Ấn Độ đối với việc gia tăng kết nối với ASEAN diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đưa ra nhiều yêu sách chủ quyền tại khu vực Biển Đông, vốn là tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế quan trọng.

Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa án theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được đưa ra vào tháng 7/2016, theo đó, nước này không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử trên Biển Đông. Cùng với việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về cam kết của mình đối với khu vực, có thể thấy sự không chắc chắn chiến lược trong khu vực đang gia tăng.

Theo Harsh V. Pant, Giáo sư quan hệ quốc tế, trường King’s College ở London, hiện khả năng của Mỹ trong vai trò lãnh đạo ở khu vực “vẫn còn là một dấu hỏi”.

“Tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã đến khu vực trong tuần này và cố gắng làm giảm bớt một số mối lo ngại. Tuy nhiên, tất cả đang chờ đợi và theo dõi Tổng thống mới của Mỹ sẽ quyết định làm gì tiếp theo", ông nói.

Điều này khác với thực tế rằng Ấn Độ đang tìm cách để gia tăng sự hiện diện ở ASEAN. Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Pranab Mukherjee và Phó Tổng thống Hamid Ansari đã thăm 9 trong tổng số 10 nước ASEAN. Riêng với Philippines, chưa có nhà lãnh đạo Ấn Độ thăm nước này trong nhiều năm qua nhưng ông Modi dự kiến sẽ thăm Manila vào cuối năm nay nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN.

Thủ tướng Modi và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14 tại Lào, tháng 9/2016. (Nguồn: The Dialogue)

Giáo sư Pant nhận định rằng "Ấn Độ cần phải nghiêm túc về vai trò tham gia của mình trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Phần lớn quốc gia ASEAN đều nhìn nhận Ấn Độ là một nước ôn hòa và rõ ràng là có nhu cầu rất lớn đối với sự hiện diện của Ấn Độ ở khu vực. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa đưa ra một tín hiệu mang tính cam kết về sự hiện diện chiến lược lâu dài trong khu vực.

Về kinh tế, Ấn Độ cần phải phát triển kết nối với khu vực để có thể thực hiện đầy đủ tính bổ sung kinh tế giữa hai bên. Ấn Độ cần thúc đẩy hợp tác quốc phòng để trở thành nhà cung cấp an ninh mạnh mẽ trong khu vực và có một cách tiếp cận bền vững về mặt ngoại giao. Về văn hóa, nước này cần phải xây dựng dựa trên các mối liên hệ văn hóa cùng chia sẻ.

“Và quan trọng nhất, New Delhi cần phải đầu tư vốn trí tuệ trong khu vực để được nghiên cứu và hiểu biết nhiều hơn", ông Pant nhấn mạnh.

(theo Mint)