📞

2018 - Ấn tượng, 2019 - Bứt phá

09:18 | 04/01/2019
Năm 2019, động lực cho nền kinh tế là hội nhập kinh tế chuyển sang giai đoạn mới, với các cam kết thương mại thế hệ mới sâu rộng hơn nhưng đòi hỏi nỗ lực của các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, GDP đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, tất cả 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Quy mô GDP tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,54%, thể hiện các chính sách vĩ mô được điều hành rất linh hoạt, hiệu quả.

Tăng trưởng cao nhất

Theo Tổng cục Thống kê, động lực tăng trưởng 2018 đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,98%, từ khu vực nông nghiệp với mức tăng 3,76%. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã có những kỷ lục, trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; xuất siêu 7,2 tỷ USD. Có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD, 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt trên 60 tỷ USD.

12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch trong năm 2018. (Nguồn: VGP)

“Kết quả tăng trưởng cho thấy, nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên. 2018 là năm thứ ba liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 3,11)”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản. Cũng theo ông Lâm, quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) năm 2018 đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 42,18%, cao hơn nhiều giai đoạn 2011-2015 (33,58%); hệ số hiệu quả sử dụng vốn ICOR còn khoảng 5,97; năng suất lao động tăng 5,93%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững tăng mạnh, trong đó Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2018 tăng 2 bậc, xếp hạng 45/126, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp; Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tăng tốc, bứt phá

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 2 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Theo đó, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể, Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, trong đó siết chặt kỷ luật tài chính, phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP. Cơ cấu lại các khoản thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%. Phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 5% so với dự toán. Đặc biệt, Chính phủ sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nguồn lực và dư địa

Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đáng chú ý, Chính phủ xác định khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Về cơ bản, những mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho nền kinh tế 2019 cũng phù hợp với nhận định của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế. Theo dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, GDP năm 2019 của Việt Nam sẽ ở mức 6,6%. Còn theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,84% ở kịch bản cơ sở và 7,02% ở kịch bản cao.

Đánh giá về động lực cho kinh tế năm 2019, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, hội nhập kinh tế Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, với các cam kết thương mại thế hệ mới sâu rộng hơn, độ mở cao, sẽ giúp tăng cường thu hút FDI. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ là nền tảng quan trọng đóng góp cho nền kinh tế. Việc môi trường kinh doanh được cải thiện giúp làn sóng đầu tư, mở rộng kinh doanh được diễn ra.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới có thể biến động, rất khó dự đoán. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng và dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra trong năm 2019, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu.

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích - Dự báo (NCIF) nhận định, kịch bản cơ bản sẽ thực hiện được trên cơ sở Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút tốt dòng vốn FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nếu cải cách doanh nghiệp nhà nước được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn, tăng trưởng có thể cao hơn.