Ảnh minh họa. |
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu được dự báo dần ổn định hơn, bất chấp những thách thức đáng kể, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,2% vào năm 2024, 3,3% cho mỗi năm 2025 và 2026.
Quá trình tái cấu trúc đang diễn ra
2024 được đặt trong bối cảnh của bốn năm qua - khi khả năng phục hồi của kinh tế thế giới bị thử thách bởi một loạt cú sốc chồng chéo, từ đại dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát cao, thời tiết khắc nghiệt và xung đột địa chính trị, cùng nhiều yếu tố rủi ro khác.
TS. Brahima S. Coulibaly, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc chương trình Kinh tế và phát triển toàn cầu tại Viện Brookings cho rằng, xét trong bối cảnh đầy thử thách đó, nền kinh tế toàn cầu năm 2024 đã hoạt động tốt hơn so với những lo ngại vào thời điểm này năm ngoái. “Kinh tế thế giới đã có một cuộc hạ cánh mềm. Tỷ lệ lạm phát giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, nới lỏng các điều kiện tài chính và mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và cả các quốc gia đang phải vật lộn với nợ”.
TS. Coulibaly kỳ vọng, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục cải thiện với tốc độ tương đương năm 2024, nhưng trong bối cảnh bất ổn lớn hơn nhiều, do vô số rủi ro và thách thức.
Các nhà phân tích của Viện Brookings cho rằng, dù tăng trưởng toàn cầu dần ổn định, nhưng ở mức tương đối thấp so với trung bình trong thập kỷ qua. Trong đó, tăng trưởng “để lộ” sự không đồng đều giữa các khu vực và quốc gia, sự bất bình đẳng tăng lên đáng kể. Bởi vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, cần có các cải cách mang tính cơ cấu và đầu tư để phục hồi tăng trưởng năng suất, các chính sách công hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự thịnh vượng nên được nhân rộng.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát đã giảm, nhưng chi phí sinh hoạt lại tăng đều trong bốn năm qua làm xói mòn sức mua. Nợ công vẫn ở mức cao “không dễ chịu” và tại một số nền kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, phải vật lộn với tình trạng dễ bị tổn thương do nợ.
Rủi ro từ biến đổi khí hậu đang nổi lên chưa từng thấy, năm 2024 ghi nhận kỷ lục nắng nóng. Thời tiết cực đoan xảy ra ở khắp nơi, lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu, hạn hán kéo dài ở châu Phi và Nam Mỹ, tình trạng mất dần các con sông băng là minh chứng rõ ràng về tốc độ nóng lên toàn cầu.
Nguy hiểm nhất chính là các cuộc xung đột địa chính trị, trong đó có sự cạnh tranh quyền lực giữa hai “người khổng lồ” Mỹ - Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine và chiến tranh ở Trung Đông, có nguy cơ khoét sâu thêm các lỗ hổng của chuỗi cung ứng và sự phân mảnh địa kinh tế toàn cầu. Bằng chứng là số lượng các hạn chế thương mại đã tăng gấp ba lần trong những năm gần đây.
Cuối cùng, năm 2024 có thể gọi là “năm của cử tri” vì ít nhất 70 nước, đại diện cho gần một nửa dân số thế giới đã tổ chức bầu cử quốc gia. Có thể nói, tác động lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu là kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong đó, sự trở lại ấn tượng với một số đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự báo có khả năng gây nên những tác động tiêu cực, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu.
Dựa trên các phân tích chặt chẽ, TS. Coulibaly dự báo, “chúng ta đang ở ‘giai đoạn hoàng hôn’ của trật tự thế giới hiện tại và quá trình tái cấu trúc đang diễn ra”.
Theo đó, năm 2025 có thể đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ đầy biến động trong quan hệ quốc tế và có khả năng tác động tiêu cực đối với hợp tác toàn cầu, từ thương mại đến an ninh. Tuy nhiên, các chuyên gia Viện Brookings cho biết, chính họ cũng chưa rõ trật tự thế giới mới sẽ như thế nào, chỉ dự báo quá trình tái cấu trúc trật tự thế giới sẽ được đẩy nhanh trong vài năm tới và mang lại sự rõ ràng hơn về tương lai.
Cần có các cải cách cơ cấu đầy tham vọng
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế, các nhà phân tích của OECD tiếp tục dự báo triển vọng tăng trưởng khác nhau đáng kể giữa các khu vực. Tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến là 2,8% vào năm 2025, trước khi chậm lại còn 2,4% vào năm 2026. Tại khu vực đồng Euro, trong bối cảnh sự phục hồi chậm chạp trong thu nhập hộ gia đình, thị trường lao động thắt chặt và việc cắt giảm lãi suất, tăng trưởng GDP năm 2025 dự kiến là 1,3% và 1,5% vào năm 2026. Tăng trưởng tại Nhật Bản có thể đạt 1,5% vào năm 2025 và giảm xuống còn 0,6% vào năm 2026. Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, với mức tăng trưởng GDP là 4,7% vào năm 2025 và 4,4% vào năm 2026.
“Nền kinh tế toàn cầu đã chứng minh khả năng phục hồi. Lạm phát đã giảm hơn nữa theo mục tiêu của các ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng đã ổn định hơn”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông, nền kinh tế thế giới vẫn còn những thách thức đáng kể, bất ổn đeo bám. Căng thẳng địa chính trị gây ra rủi ro ngắn hạn, tỷ lệ nợ công cao và triển vọng tăng trưởng trung hạn còn quá yếu. Nguy cơ gia tăng các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng và ảnh hưởng đến tăng trưởng, cũng như niềm tin đầu tư…
Bởi vậy, theo tư vấn từ OECD, các hành động chính sách cần bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Cần có hành động tài khóa quyết đoán đảm bảo tính bền vững của tài chính công và cung cấp nguồn lực cần thiết cho chính phủ để giải quyết các cú sốc và áp lực chi tiêu trong tương lai; Cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong ngắn hạn để kiềm chế tăng chi tiêu, tối ưu hóa doanh thu và tăng cường các lộ trình điều chỉnh trung hạn ổn định gánh nặng nợ.
Trước mắt, việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được hiệu chỉnh cẩn thận, để đảm bảo áp lực lạm phát cơ bản được kiểm soát. Chính sách cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương nên được tiếp tục ở các nền kinh tế tiên tiến (ngoại trừ Nhật Bản), nhưng thời điểm và mức độ cắt giảm nên được đánh giá cẩn thận, cập nhật theo tình hình mới.
Đồng thời, cần giảm bớt trở ngại về mặt cấu trúc khi tăng trưởng có xu hướng cao hơn. Chẳng hạn, để thúc đẩy năng suất và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng, một nền kinh tế cần phải nỗ lực phát triển giáo dục và kỹ năng lao động, giải quyết thành công tình trạng thiếu hụt lao động mang tính cơ cấu và xóa bỏ các ràng buộc quá nghiêm ngặt đối với đầu tư kinh doanh.
Hơn hết, để có thể đối diện với các thách thức hiện tại, Nhà kinh tế trưởng của OECD Alvaro Pereira cho rằng, “cải cách cơ cấu tham vọng là điều cần thiết để đặt nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn”.