📞

2030: Rừng Amazon sẽ biến mất?

16:33 | 18/12/2009
Số phận của rừng Amazon, vốn được xem là “Lá phổi xanh của Trái Đất”, đang bị lâm nguy, do biến đổi khí hậu và nạn chặt cây phá rừng bừa bãi. Đó là báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ nhân hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch).

Rừng nhiệt đới Amazon bao bọc toàn bộ lưu vực con sông Amazon ở Nam Mỹ với diện tích khoảng 5 triệu km2, nằm trên lãnh thổ của 9 nước, trong đó có Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia…Theo ước tính của các nhà khoa học, mỗi năm rừng Amazon có khả năng hấp thụ khoảng 66 tỷ tấn khí CO2, tức là gấp 3 lần lượng phát thải của Trái đất trong một năm. Do đó, rừng Amazon được ví như chiếc máy điều hòa khổng lồ của khí hậu trái đất.

Tuy nhiên, do sự khai thác không giới hạn của con người, tính đến năm 2005, rừng Amazon bị mất 17% diện tích bao phủ. Nguyên nhân chính là để khai thác gỗ, mở mang khu định cư và chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp…

Một nghiên cứu vừa được công bố cũng cho thấy rừng Amazon có nguy cơ bị hạn hán trầm trọng và đây là một hiện tượng bất thường vì Amazon vốn là rừng mưa, lại nằm trong vùng hạ lưu con sông lớn Amazon. Năm 2005, hạn hán đã làm đảo ngược đột ngột quá trình hấp thụ cácbon trong nhiều thập kỷ. Tổng tác động của hạn hán là có thêm 5 tỷ tấn CO2 được xả vào khí quyển, vượt quá lượng phát thải của cả châu Âu và Nhật Bản cộng lại. Nếu hạn hán tiếp tục diễn ra, thì hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ tiến triển mạnh hơn hiện nay rất nhiều.

Hiện Brazil, nước có 60% tổng diện tích rừng Amazon, đã cam kết sẽ nỗ lực giảm tốc độ tàn phá rừng xuống còn 2/3 tỉ lệ của thời kỳ từ 1996-2005. Nước này cũng đã tăng diện tích rừng được bảo vệ từ 1,26 triệu - 1,82 triệu hecta đồng thời trừng phạt mạnh những hành động tàn phá rừng.

Tuy nhiên, nỗ lực cứu rừng Amazon cần có sự hợp tác quốc tế. Các nhà khoa học Mỹ và Brazil cho rằng tỉ lệ phá rừng sẽ giảm triệt để vào năm 2020 nếu hội nghị Copenhagen nhất trí với các đề xuất bồi thường cho các quốc gia và người dân để họ từ bỏ việc khai thác gỗ và phát quang rừng làm nông nghiệp.

Mai Anh