📞

22 dự án và 1,6 tỷ USD

09:22 | 12/09/2008
Là con số được ký kết giữa doanh nghiệp (DN) hai bên tại Hội thảo Hợp tác Kinh tế Thương mại Trung Quốc (Quảng Đông) - Việt Nam, ngày 9/9.

Với đoàn đại biểu hơn 250 DN nổi tiếng trong gần 20 ngành nghề như viễn thông, đồ điện, dệt may, công nghiệp nhẹ, cơ khí, xây dựng… do Bí thư Tỉnh ủy Uông Dương dẫn đầu, Quảng Đông một lần nữa thể hiện tinh thần sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đặc biệt về kinh tế với Việt Nam.

 

Những nỗ lực chuyển đổi

 

Quảng Đông là tỉnh đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, các chỉ tiêu kinh tế chính đứng đầu cả nước nhiều năm, GDP 2007 đạt hơn 330 tỉ USD, chiếm khoảng 1/8 toàn quốc, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt ¼ toàn quốc.

 

Đây là nơi có mức độ quốc tế hóa nền kinh tế cao, thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 nước và khu vực. Với năng lực sản xuất đồng bộ mạnh, Quảng Đông là một cái nôi của công nghiệp chế tạo Trung Quốc với những ngành trụ cột như điện tử tin học, cơ khí điện máy, hóa chất dầu mỏ, ô tô, y dược, dệt may, thực phẩm đồ uống, vật liệu xây dựng...

 

Quảng Đông còn là thị trường rộng lớn với tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 110 tỉ USD, có môi trường đầu tư tốt với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện, giao thông thuận tiện, thủ tục hành chính minh bạch, an toàn và hiệu quả cao.

 

Tốc độ tăng trưởng GDP của Quảng Đông trong những năm gần đây luôn giữ ở mức 9%. Họ nỗ lực trở thành tỉnh chủ lực nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc, thúc đẩy chuyển đổi từ “Quảng Đông chế tạo” sang “Quảng Đông sáng tạo”, “Quảng Đông dịch vụ”.

 

Đối tác quan trọng của Việt Nam

 

Hiện nay, ASEAN đã trở thành tối tác thương mại lớn thứ 5 của Quảng Đông. Ông Uông Dương cho biết: “Điều quan trọng là nắm lấy cơ may trong việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng khối mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, tích cực đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng”. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng khẳng định: “Quảng Đông chiếm vị trí rất quan trọng trong quan hệ kinh tế Việt - Trung, nằm trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, có đường vận tải biển rất gần Việt Nam”.

 

Quy mô hợp tác trong đầu tư thương mại giữa Quảng Đông và Việt Nam không ngừng mở rộng. Năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Đông và Việt Nam là 2,45 tỉ USD, tăng 53% so với năm trước, tốc độ tăng trưởng cao hơn 32,7%, chiếm 1/6 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa nội địa Trung Quốc – Việt Nam.

 

Cũng theo ông Dương, các mặt hàng của Việt Nam như than đá, thuộc da, cao su, động cơ, điện tử… bán rất chạy trên thị trường Quảng Đông, còn các mặt hàng như quần áo, vật liệu thép, đồ sứ, giày dép, xe máy, điều hòa, điện cơ... của Quảng Đông cũng rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích. Những DN đồ điện, viễn thông nổi tiếng ở Quảng Đông, trong đó có tập đoàn Midea đang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và mạng lưới tiếp thị cũng như nhận thầu công trình ở Việt Nam.

 

Và 5 mục tiêu

 

Qua Hội thảo, các DN có cơ hội trao đổi bàn bạc kỹ lưỡng đi tới hợp tác trên nguyên tắc ưu đãi, cùng có lợi mà tỉnh đã đề ra trên 5 phương diện.

 

Trước hết, ủng hộ DN Quảng Đông đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt khuyến khích DN có thế mạnh ở các lĩnh vực chế biến, giao thông, viễn thông tích cực vào khai thác và hợp tác sâu về năng lượng, khoáng sản, nông sản...

 

Thứ hai, tiếp tục tăng thêm nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế so sánh.

Thứ ba, khuyến khích du khách Quảng Đông sang Việt Nam, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch của VN.

 

Thứ tư, hoan nghênh các DN Việt Nam sang triển khai đầu tư, mậu dịch và tham quan du lịch. Bất cứ tập đoàn đa quốc gia hay doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có thể tìm lấy đối tác và vận hội phát triển ở Quảng Đông.

 

Cuối cùng là đi sâu hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, xã hội...

 

Thành Châu