Một thông báo chính thức được Bộ Thủy lợi Trung Quốc và Cơ quan thống kê Trung Quốc đưa ra mới đây đã cho thấy, số lượng các dòng sông có diện tích từ 100 km2 trở lên ở nước này đã giảm một nửa so với thời điểm cách đây 60 năm. Báo cáo đưa ra đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về vấn nạn môi trường tại Trung Quốc. Các chuyên gia môi trường cho rằng, đây chính là hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, việc khai thác tài nguyên quá mức và thiếu sự tư vấn từ cộng đồng.
Tình trạng biến mất của nhiều dòng sông và nguồn nước cùng với vấn nạn “làng ung thư” do ô nhiễm môi trường đang gia tăng tại Trung Quốc đã khiến Chính phủ nước này buộc phải vào cuộc quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực từ việc khai thác kinh tế và phát triển công nghiệp.
Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề môi trường công cộng Ma Jun cho rằng chính các công trình như đập Tam Hiệp là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của nhiều dòng sông. Thực trạng này sẽ gây ra việc thiếu hụt nguồn nước trầm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Hiện nay, 400 trong số 600 thành phố của Trung Quốc bị thiếu nước, trong đó có 30 thành phố trực thuộc trung ương. Tại phía Bắc, tình trạng khô hạn và hạn hán kéo dài cũng khiến cho các mạch nước ngầm đang bị khai thác quá mức. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc cũng là một trong 13 quốc gia thiếu hụt tài nguyên trầm trọng nhất thế giới.
Lỗ Đan (Theo Daily Mail)