Nhỏ Bình thường Lớn

3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức hội đàm về nhiều vấn đề 'nóng', định đưa vaccine Sputnik V về EU

Ngày 30/3, văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận về nhiều vấn đề với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm trực tuyến cùng ngày.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức hội đàm với Tổng thống Nga Putin, định đưa vaccine Sputnik V về châu Âu. (Nguồn: Ada Haber)
Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm trực tuyến cùng ngày. (Nguồn: Ada Haber)

Theo thông báo của văn phòng này, trong cuộc hội đàm, ngoài thảo luận về việc tập hợp các nỗ lực trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa chung, đại dịch Covid-19, ông Macron và bà Merkel cũng đề nghị Tổng thống Putin tôn trọng các quyền của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đồng thời bảo vệ sức khỏe cho đối tượng này.

Trong khi đó, thông báo của Điện Kremlin cho biết, cuộc điện đàm tập trung vào các biện pháp ngăn chặn sự tiếp tục lây lan của dịch bệnh, triển vọng đăng ký vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga tại Liên minh châu Âu (EU), cũng như các khả năng cung cấp và sản xuất chung loại thuốc này ở các nước EU.

Bên cạnh đó, các bên cũng thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế như tình hình ở Ukraine, Belarus, Libya, Syria và Iran.

Về tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo 3 bên khẳng định, không có sự thay thế "Gói biện pháp" Minsk năm 2015 làm cơ sở để giải quyết mâu thuẫn nội bộ của nước này.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Kiev phải thực hiện tất cả các thỏa thuận đã đạt được trước đó ở cấp cao nhất, trước hết là thiết lập đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk và giải quyết các khía cạnh pháp lý về cơ chế đặc biệt của Donbass.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh vai trò của Nga trong việc hành động kiên quyết nhằm đảm bảo một lệnh ngừng bắn ở miền Đông vốn đang bị vi phạm thường xuyên.

Về tình hình Libya, tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, ba nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng, các chính quyền chuyển tiếp của Libya sẽ giúp thúc đẩy một tiến trình chính trị toàn diện ở đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Ba bên cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran và đề cập đến tình hình nhân đạo thảm khốc ở Syria, theo các tuyên bố tương ứng của họ.

Khi thảo luận về tình hình ở Belarus, Tổng thống Putin lưu ý, không thể chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Các bên cũng đã thảo luận về quan hệ giữa Nga và EU. Phía Nga nhắc lại sự sẵn sàng khôi phục tương tác phi chính trị hóa bình thường với EU, nếu mối quan tâm có đi có lại được thể hiện.

Theo Điện Kremlin, nhìn chung, cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí công việc và cởi mở, nhất trí tiếp tục làm việc chung trong toàn bộ chương trình nghị sự cấp thiết.

TIN LIÊN QUAN
Tàu chiến Mỹ từng đi qua Biển Đông phóng thành công tên lửa chống hạm
Doanh nghiệp Israel 'qua mặt' chính phủ, bí mật hợp tác với công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen
Tình hình Myanmar: Mỹ rút bớt nhân viên ngoại giao, Nhật Bản ngừng viện trợ ODA
Australia sẽ là quốc gia tiếp theo vũ trang hạt nhân?
Tin thế giới 30/3: Nga ấm ức về sự xúc phạm chưa từng có; Đại sứ Mỹ sắp sang Đài Loan; Trung Quốc 'duyệt' thay đổi liên quan Hong Kong; Bố già sa lưới

(theo Reuters, AP)