Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, ngày 5/12. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ba thập kỷ qua đã chứng kiến những tiến triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc. Với dấu mốc hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, hai nước quyết tâm viết tiếp những chương hợp tác mới, cao hơn và sâu rộng hơn.
Ngày 22/12/1992, Việt Nam-Hàn Quốc chính thức ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang Ok đến Việt Nam và chính thức mở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội. Tháng 3/1993, Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul.
Chưa đầy 10 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2001, quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm thành quan hệ Đối tác toàn diện; đến năm 2009 trở thành quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược. Đặc biệt, với niềm tin vào tương lai tốt đẹp của quan hệ song phương, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhất trí ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương hợp tác mới, cao hơn, sâu rộng hơn giữa hai nước.
Nhìn lại trọn vẹn ba thập kỷ, có thể khẳng định vượt qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã không ngừng phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á và sự hợp tác thành công hiếm có.
“Thời gian 30 năm qua tuy không dài nhưng quan hệ hai nước đã đạt nhiều thành quả toàn diện, là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, là hình mẫu hợp tác trong quan hệ quốc tế”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc.
Thành quả toàn diện
Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Hàn Quốc được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân…
Về chính trị, hai bên duy trì tốt quan hệ trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội… thông qua trao đổi đoàn cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, qua đó, giúp hai bên không ngừng củng cố lòng tin chính trị. Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm ở khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục duy trì thông qua cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao-an ninh-quốc phòng, Đối thoại an ninh Việt Nam-Hàn Quốc và Đối thoại quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc. Hai bên đã ký nhiều văn bản hợp tác như Bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin, Bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự, Biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030…
Trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng. Dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất, đối tác ODA, lao động và du lịch lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Sau 30 năm, thương mại kinh tế đã tăng gấp 156 lần, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 78 tỷ USD năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp luỹ kế của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn duy trì vị trí số một trong năm năm trở lại đây với tổng số vốn luỹ kế đạt 80,5 tỷ USD tính đến hết tháng Chín năm nay.
Trong hợp tác lao động, Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai đến Hàn Quốc. Hai bên đã ký nhiều bản ghi nhớ, hiệp định liên quan đến lao động và tổ chức thí điểm mô hình lao động thời vụ.
Về hợp tác du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam với trung bình mỗi tháng là hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn trước Covid-19.
Trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Có thể nói kết quả chuyến thăm không chỉ thành công về mặt chính trị mà có ý nghĩa rất sâu sắc về nhân văn-xã hội, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp hai nước”. |
Thời kỳ mới đầy hứa hẹn
Dấu mốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quan hệ hai nước, như lời của Tổng thống Yoon Suk Yeol bày tỏ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta sẽ mở ra thời kỳ mới trong quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam thông qua nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ và thực hiện các phương án hợp tác đa dạng”.
Hiện nay, hai nước đang ở thời điểm bắt đầu 30 năm tiếp theo dựa trên hành trang là thành quả của ba thập kỷ quý giá.
Trên tinh thần đó, hai nước đã khẳng định quyết tâm duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các chuyến thăm, giao lưu tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng, như thăm song phương, tiếp xúc tại các hội nghị đa phương, hội đàm trực tuyến, trao đổi thư/điện…
Không chỉ trong khuôn khổ song phương, việc phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn, cơ chế quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ như tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cơ chế hợp tác ASEAN-Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)...
Về kinh tế, trong thời gian tới, hai bên nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, vượt mốc 80 tỷ USD của năm 2021, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam và Hàn Quốc cùng định hướng tăng cường mở rộng liên kết kinh tế và thương mại tự do dựa trên luật lệ trong khu vực, thông qua việc gỡ bỏ các quy định nhập khẩu và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thuế quan, trong đó có việc trao đổi điện tử chứng nhận xuất xứ trên cơ sở Hiệp định tương trợ hải quan, nhằm thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác kinh tế song phương và đa phương, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Với dấu mốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam-Hàn Quốc quyết tâm viết tiếp những chương hợp tác mới, cao hơn và sâu rộng hơn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mối nhân duyên thắm đượm
Trong Đặc san kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc của TG&VN, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trích lại câu nói rất nổi tiếng của Tống Quế Nhã thời nhà Đường được nhiều người Hàn Quốc tâm đắc, đó là: Hoa hương bách lý, tửu hương thiên lý, nhân hương vạn lý (Dịch nghĩa: hương hoa thơm trăm dặm, hương rượu thơm ngàn dặm, hương người tỏa vạn dặm) để nói về mối nhân duyên sẵn có từ lâu giữa hai dân tộc Việt Nam-Hàn Quốc. Tuy xa nhau vạn lý nhưng với nhân hương thắm đượm, người dân hai nước đã từng có mối quan hệ thân tình từ xa xưa.
Chúng ta đã từng nghe câu chuyện về hai dòng họ Lý Việt Nam tại Hàn Quốc là Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện, hay câu thơ nổi tiếng: Cổ vân tứ hải giai huynh đệ, tương tế đồng chu xuất cộng xa (Dịch nghĩa: Vốn bốn biển đều là anh em, giúp nhau đi chung thuyền, chung xe) mà sứ thần Phùng Khắc Khoan của Đại Việt tặng sứ thần Lý Túy Quang của Hàn Quốc và mối quan hệ thâm giao của họ.
Những gắn kết giữa người dân hai nước dù ở trong giai đoạn nào của lịch sử có lẽ cũng là chất keo gắn kết hai dân tộc, hai đất nước.
Trong trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết với hơn 1.000 chuyến bay trong một tháng, gần 5 triệu người dân qua lại thăm nhau, hơn 70 cặp địa phương thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác, khoảng 250.000 người dân hai nước ở tại đất nước của nhau, trong đó bao gồm 60.000 cặp dâu rể Việt Nam và Hàn Quốc, gắn kết giữa nhân dân hai nước cũng chặt chẽ hơn bao giờ hết. Mối lương duyên tiếp tục được vun đắp trong mỗi chặng đường và dấu mốc lịch sử cùng đi qua, trở thành tài sản quý giá của hai nước.
Trong quan hệ quốc tế, 30 năm chưa phải là dài nhưng hai nước đã phát triển mối quan hệ đối tác cần thiết nhất đối với nhau: Đối tác chiến lược toàn diện. Có lẽ, nếu như sự tin cậy chân thành đã đưa hai nước đi qua ba thập kỷ đầy ấn tượng thì sự sẻ chia, tựa vào vai nhau sẽ tiếp tục nâng “đôi cánh” quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc tiến xa hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
| Kỷ niệm Quốc khánh Hàn Quốc, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc Năm 2022 không chỉ là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn là dấu mốc quan trọng, mở ra ... |
| 30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Những bước tiến nổi trội và kỳ vọng tạo bước ngoặt mới 30 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992-22/12/2022), đặc biệt là trong năm 2022, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc có những bước ... |
| Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Từ khi ... |
| Chuyến thăm mở ra mốc lịch sử mới, nâng tầm quan hệ hai nước Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc (từ ngày ... |
| Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc: Một hình mẫu thành công dựa trên sự chân thành, tin cậy Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là một hình mẫu thành công dựa trên sự ... |