📞

30 ngày đức hạnh và hòa giải

08:06 | 11/07/2015
Mùa hè 2015 “nóng bỏng” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nhưng không ngăn cản khoảng 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo khắp thế giới bước vào tháng lễ Ramadan (từ 18/6-17/7) với đức tin tuyệt đối, còn các nhà lãnh đạo quốc tế thì tranh thủ gửi thông điệp hòa giải chính trị.
Hành khách chuẩn bị bữa ăn iftar trong khi họ chờ đợi ở bến tàu trong cuộc hành hương về thánh địa Mecca.

Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả rập. Đó là thời điểm mà theo tương truyền, thương nhân – nhà tiên tri Mohammed khi đang đi trên sa mạc Mecca đã được thiên sứ Gabriel gọi và nói rằng ông được chọn để tiếp nhận ý chỉ của Đấng Allah. Sau đó, Mohammed bắt đầu đọc các câu nói và chúng được sao chép thành kinh Quran.

Tháng Ramadan được chia đều làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài mười ngày (cầu nguyện, xóa tội và cầu xin được thoát phải xuống hỏa ngục) trước khi chấm dứt bằng ba ngày lễ lớn có tên Eid al-Fitr. Tín đồ Hồi giáo bắt buộc thực hiện năm tín điều: Tuyên thệ trung thành với tín ngưỡng (đọc to hoặc nhẩm trong miệng mỗi khi bắt đầu làm lễ: “Không có thánh thần nào khác ngoài Đấng Allah và Mohamed là Thiên sứ của Người”), cầu nguyện hàng ngày, làm việc bác ái từ thiện, chấp hành quy luật tháng Ramadan và hành hương về thánh địa Mecca.

Nét đẹp đằng sau sự khắt khe

Nhắc đến tháng Ramadan, người ta sẽ nghĩ ngay về quy định tín đồ Hồi giáo nhịn hoặc ăn chay để giáo dục lòng biết ơn, suy nghĩ về những người kém may mắn, đói khát hơn mình. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ phải nhịn ăn, nhịn uống trong cả tháng.

Người theo Đạo Hồi sẽ ăn bữa sohour từ khoảng hai, ba giờ sáng đến trước khi mặt trời mọc. Từ lúc tia nắng đầu tiên xuất hiện đến khi mặt trời lặn thì họ tuyệt đối không động đến thức ăn và nước uống. Khi màn đêm thay hoàng hôn, một bữa ăn bù năng lượng được gọi là iftar sẽ kết thúc quá trình chay tịnh. Các món tráng miệng trong iftar bao gồm konafa (bánh làm từ lúa mì, mật ong, đường, nho khô, quả hạch) hoặc qattayef (bánh nhỏ, nhân ở trong là các loại hạt, nho khô).

Trong tháng Ramadan, mỗi ngày đều có chương trình bữa ăn từ thiện ở những nơi công cộng cho người nghèo như một phần của việc sẻ chia. Một thống kê của Ai Cập cho biết trong tháng Ramadan, lượng thực phẩm tiêu thụ trong dân thường gấp đôi các tháng khác trong năm.

Cầu nguyện trong tháng Ramadan là cực kì quan trọng. Theo Kinh Quran, “Cầu nguyện mỗi đêm trong tháng Ramadan thể hiện đức tin của con người và họ sẽ được cứu vớt khỏi tội lỗi như một phần thưởng từ Đấng Allah”.

Các bữa ăn iftar và sohour sẽ đều được bắt đầu bằng việc đọc kinh Quran, chỉ đến khi tiếng loa từ các giáo đường vang lên, đọc xong câu nguyện ở điều 1, mọi người mới bắt đầu ăn uống. Kinh Quran được đọc mỗi đêm cùng những lời cầu nguyện gọi là tarawih. Đến cuối lễ Ramadan, Kinh được đọc hoàn chỉnh và khi đó, người Hồi giáo được cho là có thể kết nối được với những giáo lý của thánh thần.

Lễ hành hương (Hajj) về Mecca (ở Saudi Aribia) là một nét đặc sắc trong tháng Ramadan. Trong 6.236 câu thuộc 114 chương của Kinh Quran, có câu quy định: Tín đồ Hồi giáo phải ít nhất một lần về với Mecca, nơi có Đền thờ Kaaba, tương truyền là “Beit Allah” (Nhà của Đấng Allah), nơi nhà tiên tri Mohammed anh minh nhất trong tất cả các đấng tiên tri sinh ra rồi sống những năm cuối đời và giảng đạo lần cuối cùng vào năm 632 theo lịch sử Hồi giáo.

Mỗi năm có hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới hành hương về Mecca. Không ít trong số đó thiệt mạng vì đói khát hoặc tai nạn. Đến Mecca, mọi người phải mặc bộ đồ trắng giống nhau, không phân biệt màu da, địa vị xã hội, như muốn nói rằng tất cả đều là anh em, con của Đấng Allah, và bình đẳng trước Đấng Allah.

Cơ hội xoa dịu căng thẳng ngoại giao

Tầm ảnh hưởng của Ramadan từ lâu đã vượt qua khuôn khổ một sinh hoạt tôn giáo. Dựa vào ý nghĩa đạo đức của nghi lễ này, các chính khách cũng không bỏ lỡ cơ hội tận dụng tháng Ramadan để thực hiện các mục đích ngoại giao.

Năm 2015, tháng Ramadan đến sớm hơn mọi năm, vị Thủ tướng năng động của Ấn Độ Narendra Modi đã gọi điện chúc mừng lãnh đạo và người dân các quốc gia Hồi giáo láng giềng như Afghanistan, Bangladesh, kể cả nước có quan hệ phức tạp với New Delhi như Pakistan để bày tỏ hy vọng cho hòa bình, hòa hợp.

Ông Modi tận dụng dịp này để thông báo với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif về việc Ấn Độ quyết định trả tự do cho ngư dân Pakistan bị bắt giữ trước đó. Động thái này giúp Ấn Độ ghi điểm với cộng đồng người Hồi giáo, nhất là các ngư dân khi họ không phải vắng mặt trong nghi lễ quan trọng bậc nhất này. Dẫu để có một quan hệ ổn định giữa hai quốc gia còn nhiều mâu thuẫn này chưa bao giờ là dễ, nhưng Thủ tướng Modi không ngại bày tỏ mong muốn hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Tháng Ramadan 2015 cũng chứng kiến một dấu mốc lịch sử chưa từng có. Lần đầu tiên kể từ sau khi ký Hiệp ước hòa bình (1979) và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1980, đại diện nhà nước Do thái Israel đã gửi lời chúc đến Chính phủ và người dân Ai Cập nhân tháng Ramadan. Phát biểu bằng tiếng Ả rập trôi chảy, Đại sứ Israel tại Cairo Haim Koren đã xuất hiện trong một clip trên mạng xã hội Youtube và nói: "Trên danh nghĩa cá nhân và thay mặt cho người dân Israel, chúng tôi cầu mong người dân Ai Cập đón một tháng Ramadan an lành".

Tháng 11/2012, Tổng thống Ai Cập khi đó là ông Mohamed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đã rút Đại sứ tại Israel Atef Salem về nước sau một vụ tấn công của Israel khiến chỉ huy quân sự của Hamas (một nhánh của MB) thiệt mạng và châm ngòi cho nhiều tuần bạo lực. Quan hệ hai nước chỉ bắt đầu ấm lên khi Cairo đóng vai trò trung gian hòa giải, dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vào tháng 8/2014. Sau đó, Israel đã bổ nhiệm ông Haim Koren làm Đại sứ tại Ai Cập. Ngày 21/6/2015, Cairo tái bổ nhiệm Đại sứ tại Tel Aviv.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng gửi thông điệp tốt lành đến cộng đồng người Hồi giáo nhân dịp này. Trong khi từng bước tìm cách thoát khỏi sa lầy ở Trung Đông do người tiền nhiệm để lại, ông Obama mong muốn một hình ảnh khác về nước Mỹ trong cộng đồng Hồi giáo. "Nhân tháng Ramadan, Michelle và tôi gửi lời chào trân trọng nhất tới tất cả các tín đồ Hồi giáo tại Mỹ và trên toàn thế giới", Obama tuyên bố. Ông cũng cho biết sẽ mời đại diện người Hồi giáo đến Nhà Trắng để dùng bữa iftar.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng tháng Ramadan là dịp để suy nghĩ về trách nhiệm của mọi người thuộc mọi tôn giáo nhằm giúp đỡ những người đói nghèo và nạn nhân của xung đột vũ trang, sắc tộc ở Myanmar, Iraq, Libya, Nigeria, Somalia, Syria và Yemen. Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới sẽ tổ chức lễ kỷ niệm để tôn vinh ý nghĩa cao đẹp của Tháng Ramadan.

Tháng Ramadan năm nay diễn ra với những trăn trở về đói nghèo, bạo lực, về một Trung Đông bất định với tỷ lệ người Hồi giáo thất nghiệp cao nhất ở Âu, Mỹ… Nhưng dù thế nào, với ý nghĩa cao đẹp về đức hạnh và sự tôi luyện ý chí, hy vọng cộng đồng Hồi giáo sẽ có một thánh lễ yên bình và quan hệ giữa các nước cũng có tín hiệu khởi sắc hơn.

Ramadan 2015 diễn ra trong nỗi lo về nguy cơ tấn công từ các nhóm Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). IS nhanh chóng tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ xả súng ở Tunisia làm ít nhất 37 người chết hôm 26/6. Cùng ngày, ở Kuwait, 25 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát. Ở Pháp, một nạn nhân bị chặt đầu và bị treo lên hàng rào cùng những lá cờ có chữ Hồi giáo.

Năm âm lịch Ả Rập căn cứ vào tuần trăng, chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Ðđất, một vòng khoảng 27 ngày 7 giờ nghĩa là dưới một tháng. Như thế, một năm của lịch Hồi giáo ngắn hơn dương lịch khoảng 11 ngày, có nghĩa là tháng Ramadan (tháng thứ 9) sẽ sớm hơn lên nếu tính theo dương lịch. Tháng Ramadan có thể sai khác một vài ngày ở những nước Hồi Giáo vì vị trí địa dư và cách quan sát mặt trăng. Năm nay, Saudi Arabia, Ai Cập, Iran, Indonesia khởi đầu từ ngày 18/6 nhưng Pakistan chọn ngày 19.

Nguyên Dũng (tổng hợp)