Nhỏ Bình thường Lớn

35 năm quan hệ Việt - Đức: Những viên gạch nền

2010 là năm nhân dân hai nước Việt Nam- Đức sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động về kinh tế, chính trị, văn hóa, giao lưu... với sự kiện "Năm Việt Nam tại Đức" và "Năm Đức tại Việt Nam". Đây là những sự kiện kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Trường Đại học Việt – Đức (VGU) tại TP. Hồ Chí Minh.
2010 là năm nhân dân hai nước Việt Nam- Đức  sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động về kinh tế, chính trị, văn hóa, giao lưu... với sự kiện "Năm Việt Nam tại Đức" và "Năm Đức tại Việt Nam". Đây là những sự kiện kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Những năm qua, các chuyến thăm cấp cao đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển sâu rộng và hiệu quả giữa hai nước. Việt Nam và Đức luôn tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, cùng hợp tác và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế.

 

Đối tác hàng đầu cho phát triển

 

Từ nhiều năm nay, Đức luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) trên nhiều lĩnh vực chính trị ngoại giao, kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa giáo dục và khoa học công nghệ... Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế, nghiên cứu khoa học; đào tạo sĩ quan, nghiên cứu sinh mỗi năm... Ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế Đức đã và đang đầu tư vào Việt Nam.

 

Về quan hệ hợp tác phát triển, Đức là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1 tỷ euro cho các dự án ODA tại Việt Nam. Tại Hội nghị CG 2009 được tổ chức hồi đầu tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, Đức cam kết dành cho Việt Nam là 137 triệu euro ODA trong tài khóa 2009-2010 (chiếm 12,7% tổng mức cam kết vốn ODA của khối các nước Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam).

 

Trong quan hệ đầu tư, hiện tại Đức có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 139 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 778 triệu USD, đứng thứ 22 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trên 3/4 tổng số dự án và 2/3 tổng số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao như ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ phần mềm và thông tin truyền thông, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Hiện tại, 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tiếp nhận các dự án đầu tư của Đức nhưng các dự án chủ yếu vẫn được thực hiện

tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Một số tập đoàn lớn của Đức đã có dự án đầu tư tại Việt Nam như Metro Cash & Carry, Siemens, Deutsche Bank, Allianz.

 

Hợp tác ngày càng lớn  mạnh

 

Dự kiến vào giữa năm 2010, một dự án hợp tác lớn giữa hai bên - tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được khởi công. Điều này sẽ góp phần mở đường cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mạnh hơn trong thời gian tới.

 

Một mặt, Việt Nam hấp dẫn Đức bởi tiềm năng dân số, chính trị ổn định, kinh tế năng động, vẫn đạt tăng trưởng trong suy thoái kinh tế. Mặt khác, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp, Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển những lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mà Đức có lợi thế. Trong năm 2009 đã có gần 50 đoàn Việt Nam sang Đức và hơn 10 đoàn Đức sang Việt Nam, chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế - thương mại.

 

Đức hiện là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Theo thống kê chưa chính thức, năm 2009 lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Đức chiếm 19% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam vào 27 nước EU. Mặc dù Vỉệt Nam nhập siêu trong trao đổi thương mại với thế giới, Việt Nam vẫn xuất siêu đối với Đức theo tỷ lệ xuất/nhập trung bình là 2/1. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Đức theo thứ tự tổng trị giá là: giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da… Đức là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới đối với cà phê hạt và hạt tiêu đen của Việt Nam. Các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị.

 

Dự báo tổng trị giá trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2010 có khả năng đạt khoảng 5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với 2009, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức sẽ đạt 3,5-3,6 tỷ USD, tăng 9-12% so với 2009 (bằng hoặc vượt con số 2008 là năm trước suy thoái), và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với 2009 (bằng năm 2008).

 

Cầu nối

 

Hiện có khoảng 100 ngàn người Việt Nam được đào tạo, học tập ở Đức qua các thời kỳ và biết tiếng Đức cùng với gần 100 ngàn người đang sinh sống tại Đức sẽ là cầu nối quan trọng tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Đức.

 

Trên chặng đường 35 năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Tại Lễ khai trương "Năm Việt Nam tại Đức" ở Berlin, bà Cornelia Pieper, Bộ trưởng Quốc vụ Bộ Ngoại giao, khẳng định đất nước cũng như con người Đức và Việt Nam có truyền thống lịch sử, văn hóa gắn bó lâu đời; Việt Nam hiện là đối tác chính trị quan trọng hàng đầu của Đức ở Đông Nam Á; phát triển quan hệ Đức - Việt là tiêu điểm cho mọi hoạt động của năm 2010. "Năm Việt Nam tại Đức" và "Năm Đức tại Việt Nam" là viên gạch tiếp nối đưa quan hệ hai nước phát triển cao hơn.    

 

Tần Xao