📞

40 năm bản Di chúc lịch sử

10:08 | 28/08/2009
Ngày 2/9/1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về cõi vĩnh hằng. Trong một ngày đau thương, hàng chục vạn đồng bào tụ họp trên Quảng trường Ba Đình, cùng hàng chục triệu người Việt Nam từ mọi phương trời, thành kính đón nhận từng dòng, từng chữ trong Di chúc Người gửi lại. Đó chính là những lời căn dặn cuối cùng và là niềm tin, tình cảm của Người đối với sự nghiệp cách mạng, với Đảng và nhân dân ta. 40 năm qua, những lời căn dặn, những điều mong muốn của Bác luôn hiện diện và là kim chỉ nam trên mỗi chặng đường phát triển của dân tộc...

 

Người dặn chúng ta đoàn kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết và là hình ảnh tiêu biểu nhất cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sinh thời, trong những lần đi thăm nhân dân, quân đội, công nhân, cán bộ, tri thức… bao giờ cũng nghe vang lên tiếng hát: “Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh…”. Ngay trong đoạn mở đầu của Di chúc, Bác viết: “…Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhân tố quyết định, hạt nhân nòng cốt tạo nên khối đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc, là nhân tố chính trị tinh thần để tập hợp, động viên cổ vũ toàn dân tộc đứng lên tranh đấu giành độc lập. Theo Người, nhờ trong Đảng có sự đoàn kết nhất trí cao, nên Đảng mới có đủ sức mạnh tập hợp và lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng và giành hết thắng lợi vẻ vang. Điều đó có nghĩa là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng chỉ có thể được xây dựng và củng cố khi Đảng dốc lòng, dốc sức phụng sự giải cấp, dân tộc và phụng sự Tổ quốc…

Để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, Bác chỉ rõ: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải nhận thức sâu sắc rằng truyền thống quý báu, quan trọng hàng đầu của Đảng ta, của dân tộc ta chính là tinh thần đoàn kết, nhờ đoàn kết nhất trí cao mà Đảng ta, dân tộc ta luôn có đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách để chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang. Biện pháp cốt yếu, quan trọng bậc nhất để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, theo Người là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Thực hiện Di chúc của Người, 40 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng chăm lo củng cố, giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đặc biệt là trước những tình thế khó khăn, những bước ngoặt thay đổi nhiệm vụ cách mạng, nhờ đó Đảng ta vẫn luôn là một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh phi thường, từng bước đưa công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến thành công.

Những lời căn dặn về sự nghiệp trồng người

Người luôn xác định Đảng và Nhà nước ta phải thường xuyên chăm lo đến sự phát triển thế hệ trẻ. Đó là lực lượng “rường cột”, là tương lai của nước nhà. Trong Thư gửi học sinh năm 1945, Bác viết: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bác nhấn mạnh việc chăm sóc và giáo dục tốt thế hệ trẻ là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải được làm thường xuyên, lâu dài, kiên trì, bền bỉ, phải “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Ngay sau phần nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Bác viết: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng, để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Ngay từ năm 1925, trong Thư Gửi thanh niên Việt Nam, Người chỉ rõ, đất nước sẽ không còn nếu thanh niên không được “hồi sinh”, thức tỉnh. Để hồi sinh bộ phận quan trọng này của dân tộc, Người đã mở trường huấn luyện chính trị, xuất bản sách báo, sáng lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội để thức tỉnh một thế hệ thanh niên yêu nước. Bác ví lứa tuổi thanh niên là mùa xuân của xã hội: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”.

Bác còn chỉ rõ, thanh niên là người kết nối quá khứ với tương lai: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Điều này phản ánh một vấn đề có tính quy luật, đó là sự “bàn giao thế hệ”. Mỗi thế hệ chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong một chặng đường cách mạng nhất định và phải được thế hệ sau tiếp bước. Đó chính là thanh niên, “người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội” mà Bác đã đưa vào Di chúc.

Tấm gương về thực hành tiết kiệm

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu vì điều đó có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập dân tộc cũng như trong hòa bình, dựng xây và kiến thiết nước nhà.

Bác nghiêm khắc phê phán những việc làm gây ra lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, vật tư, tiền của của nhân dân và Nhà nước. Người cho đó là kẻ thù của nhân dân. Người vạch ra nguồn gốc, nguyên nhân của việc gây ra bệnh lãng phí, đó là bệnh quan liêu và “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo”, “hoặc tính toán không cẩn thận”, “hoặc vì bệnh hình thức, phô trương”, “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”, vì thế phải kiên quyết chống lãng phí. Muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hành trước và phải biến nó thành một phong trào quần chúng rộng rãi.

Không chỉ là những lời dạy, bản thân Bác là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về cần kiệm liêm chính. Sinh thời, Người sống rất giản dị, lối sống ấy thể hiện trong cách ứng xử từ lời nói đến việc làm, từ cách ăn mặc và sinh hoạt hàng ngày. Khi ở Paris về, người ta thấy Bác mặc bộ kaki đã vá. Có người yêu cầu Bác thay bộ khác, Bác đáp: “Nhiều đồng bào ta, nếu được bộ quần áo như thế này cũng là tốt lắm rồi. Thế thì việc gì tôi phải thay”.

Đôi dép cao su của Bác, chiếc quạt làm bằng lá cọ Bác dùng hàng ngày bị thủng một lỗ nhỏ, Bác cũng không đồng ý cho thay. Chiếc vỏ gối của Bác được vá đi vá lại nhiều lần. Chiếc bút chì mòn vẹt Bác dùng để theo dõi tin tức trên báo. Bác lấy “những mảnh báo mà ta tưởng chỉ để vứt đi”… nhặt lấy, lấy dao rọc, xén cho vuông vắn rồi đem làm phong bì…

Sự tiết kiệm của Bác còn thể hiện trong tác phong làm việc có kế hoạch và khoa học để tiết kiệm thời gian và trong việc sử dụng cán bộ. Là Chủ tịch nước, nhưng những tháng năm sống ở Chiến khu Việt Bắc, đi theo Bác chỉ là tổ công tác 8 người và một số ít các đồng chí phục vụ kiêm mọi công việc. Những khi đi công tác xa, Bác thường tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ về thăm gia đình, điều này thể hiện sự quan tâm của Bác và cũng là một hình thức tiết kiệm sức người. Trong cuộc sống, ở đâu Bác cũng nêu tấm gương ngời sáng về tiết kiệm cho nhân dân ta.

*

40 năm Bác đã đi xa, nhưng với mỗi người dân Việt Nam hình ảnh của Bác, tấm gương đạo đức của Bác, những lời dặn dò của Bác trong bản Di chúc trước lúc Người “đi gặp cụ Các-Mác, cụ Lênin” vẫn mãi mãi để các thế hệ hôm nay và ngày mai học tập và làm theo.

Quang Lương(Tổng hợp từ cuốn “40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Chính trị-Hành chính)