TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam – Tây Ban Nha: Nhiều lý do để lạc quan | |
Giao lưu hữu nghị Kỷ niệm 36 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Tây Ban Nha |
Phát triển từ di sản hữu nghị
Việt Nam và Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977. Tây Ban Nha là một trong những nước đã tích cực ủng hộ Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Việt Nam và Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977. (Nguồn: ĐSQ Tây Ban Nha tại Việt Nam) |
Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức được thiết lập năm 1977, nhưng giữa hai dân tộc đã dành cho nhau những tình cảm hữu nghị từ rất sớm, nhất là trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Di sản hữu nghị đó, cùng với quyết tâm phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của cả hai dân tộc và sự chia sẻ những lợi ích chung, là những cơ sở vững chắc để quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.
Cụ thể, về chính trị, việc mở Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội năm 1997 và Đại sứ quán Việt Nam tại Madrid năm 2002 là những dấu mốc quan trọng, đánh dấu quyết tâm chính trị phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước. Quyết tâm chính trị đó còn được thể hiện thông qua các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là của Nhà Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha tới Việt Nam năm 2006 và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Tây Ban Nha năm 2009.
Việc hai nước ký khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Tây Ban Nha trở thành Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam tại châu Âu, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Đó là mối quan hệ toàn diện từ chính trị tới kinh tế, thương mại đầu tư, văn hóa, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo và giao thông vận tải… Các hiệp định khung cơ bản đều đã được ký kết, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.
Về kinh tế, đà phát triển trao đổi thương mại song phương được duy trì vững chắc trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng đều từ 15-20% hàng năm trong hơn 15 năm qua, từ 205 triệu USD năm 2001 lên 650 triệu USD năm 2009 và tăng hơn gấp đôi - từ 1,3 tỷ USD năm 2010 lên gần 2,8 tỷ năm 2016. Với kết quả trên, Tây Ban Nha đang là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 6 của Việt Nam.
Về đầu tư, dù sự hiện diện của doanh nghiệp Tây Ban Nha còn khiêm tốn, với 35 dự án và 88 triệu USD vốn FDI đăng ký nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang ngày càng tăng, trong đó có những tập đoàn lớn như Repsol - công ty dầu khí lớn nhất của Tây Ban Nha và Tập đoàn khách sạn đa quốc gia Melia đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, cam kết của Tây Ban Nha từ hơn 20 năm qua tại Việt Nam thông qua 4 chương trình hợp tác tài chính trị giá trên 600 triệu Euro để thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, cung cấp nước sạch đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chương trình hợp tác tài chính thứ năm mà hai bên đang chuẩn bị sẽ được ký nhân chuyến thăm Tây Ban Nha sắp tới của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, là cơ sở để hai bên xây dựng và triển khai các dự án hợp tác quan trọng như hạ tầng giao thông đô thị, hỗ trợ doanh nghiệp...
Hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng sôi động, thông qua các cuộc triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim… Đây chính là chất xúc tác để tăng cường hiểu biết, kết nối các mối quan hệ hợp tác. Hợp tác du lịch giữa hai nước cũng có những tiến triển đáng khích lệ. Năm 2016, Việt Nam trở thành điểm đến của hơn 50.000 khách du lịch Tây Ban Nha.
Để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã và đang tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, du lịch sôi động tại các thành phố lớn của hai nước như Hà Nội, Madrid, Barcelona, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày Việt Nam tại Tây Ban Nha đang được chuẩn bị tích cực với các sự kiện nghệ thuật, ẩm thực, kinh tế... Đây sẽ là một điểm nhấn và cơ hội để các tầng lớp nhân dân hai nước ngày càng gần gũi, hiểu biết lẫn nhau hơn.
Nguyên Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Alfonso Tena (thứ 4 từ phải sang) trong sự kiện đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam thăm và làm việc tại Tây Ban Nha tháng 9/2015. (Nguồn: Đại sứ quán) |
Hướng tới sự hiệu quả, bền vững và lâu dài
Qua 40 năm, quan hệ Việt Nam – Tây Ban Nha đang tỏ rõ sự trưởng thành và hứa hẹn một triển vọng tốt đẹp.
Thứ nhất, về thể chế, trên cơ sở khuôn khổ Đối tác chiến lược, trong năm 2017, một số cơ chế hợp tác mới sẽ được thiết lập như Đối thoại Ngoại giao – Quốc phòng – An ninh và Ủy ban liên chính phủ về thương mại và đầu tư. Đó chính là cơ sở quan trọng để hai nước hướng tới quan hệ hiệu quả, bền vững, lâu dài.
Thứ hai, Việt Nam và Tây Ban Nha còn nhiều điểm có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Là nền kinh tế lớn thứ năm của EU và thứ 19 trên thế giới về chỉ số GDP, Tây Ban Nha đang nắm giữ rất nhiều công nghệ hiện đại trên thế giới như cơ sở hạ tầng (hệ thống đường sắt tốc độ cao dài nhất với 2.900 km, cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy và cảng hàng không hiện đại), năng lượng tái sinh, lọc dầu, tài chính, nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang cần phát triển.
Việt Nam và Tây Ban Nha đều là hai thị trường lớn, mở và với triển vọng ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ có những điều kiện thuận lợp để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, mỗi nước đều có thể là một đầu cầu cho nước kia trong quan hệ với những khu vực khác: Tây Ban Nha giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, với Mỹ Latin; Việt Nam giúp Tây Ban Nha mở rộng hợp tác với các nước ASEAN.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của hai nước, một số lĩnh vực mà hai nước có thể và cần tập trung tăng cường hợp tác trong thời gian tới bao gồm: Cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và sân bay; năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần phát triển bền vững; du lịch văn hóa, sinh thái… để du lịch thực sự trở thành một ngành công nghiệp quan trọng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến hàng nông lâm sản và nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam theo các tiêu chuẩn của EU.
Cuối cùng, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hoá nghệ thuật và sự quan tâm ngày càng nhiều của nhân dân, doanh nghiệp hai nước dành cho nhau sẽ là chất kết dính, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác toàn diện dựa trên sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.
Với nền tảng tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược, với quyết tâm từ hai phía, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Tây Ban Nha, một quốc gia phát triển hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một quốc gia đang phát triển năng động ở châu Á sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Tăng cường hợp tác nhiều mặt với Tây Ban Nha Sáng nay (3/3), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Tây Ban Nha Alfonso Tena Garcia chào từ biệt ... |
Việt Nam – Tây Ban Nha:Tận dụng ưu thế, nâng tầm quan hệ Nhằm hiện thực hóa kết quả chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cuối năm 2009, cuộc Gặp gỡ đối ... |