Nhỏ Bình thường Lớn

44 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Sỹ: Tầm nhìn hướng tới tương lai

Kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11/10/1971), Việt Nam và Thụy Sỹ không ngừng vun đắp và tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, hợp tác phát triển, kinh tế - thương mại - đầu tư, đến văn hoá, giáo dục – đào tạo.
Phó Tổng thống Ammann đón Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Thủ đô Bern, tháng 9/2015.

Cách đây 61 năm, Thụy Sỹ là nước chủ nhà của Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Năm 1971, quốc gia được mệnh danh là "bé hạt tiêu" này là một trong những nuớc Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong năm tới, Việt Nam và Thụy Sỹ cùng chào đón một dấu mốc quan trọng: 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nhiều thành tựu

Cho đến nay, nhìn chung, quan hệ chính trị hai bên phát triển tốt đẹp. Về trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao, Việt Nam đã có 15 chuyến thăm làm việc, dự hội nghị quốc tế tại Thụy Sỹ còn Thụy Sỹ có 7 chuyến thăm làm việc, dự hội nghị quốc tế tại Việt Nam. Cho dến nay, hai nước đã ký kết đuợc 13 Hiệp định và 3 Bản ghi nhớ về các lĩnh vực quan hệ cơ bản toàn diện.

Thụy Sỹ đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Thụy Sỹ các mặt hàng như giày dép, hải sản, cà phê, dệt may... và nhập khẩu từ Thụy Sỹ các mặt hàng kim loại quý, máy móc thiết bị công nghệ cao, hóa chất, tân dược... Tính đến năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Thụy Sỹ đạt 625,28 triệu USD (không kể kim loại quý) và trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 294, 9 triệu USD.

Về đầu tư, Thụy Sỹ có trên 100 dự án đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam với vốn đăng ký gần 2 tỷ USD và hiện đứng thứ 18 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước ưu tiên của ODA Thụy Sỹ. Cơ quan Hợp tác phát triển (SDC) thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ tiếp tục cấp vốn giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án ODA thuộc các lĩnh vực môi trường, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo rất có hiệu quả tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Kinh tế liên bang chủ yếu cấp vốn trên cơ sở hỗn hợp vốn vay của Thụy Sỹ với viện trợ không hoàn lại cho các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, ngân hàng, thông tin, bệnh viện. Các dự án ODA của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam đuợc hai bên đánh giá sử dụng hiệu quả, góp phần rất tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.

Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo cũng diễn ra hết sức sôi động. Với thế mạnh về đào tạo ngân hàng, quản trị kinh doanh, bảo hiểm và công nghệ cao, Thụy Sỹ là nơi đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ quản lý về các lĩnh vực này. Giữa hai nước đã đạt được những thỏa thuận đào tạo ở các mức độ khác nhau thông qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Thụy Sỹ Pascal Couchepin năm 2008 và các chuyến thăm Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010 và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân năm 2012.

Triển vọng tươi sáng

Năm 2016 có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam và Thụy Sỹ. Về phía Việt Nam, đầu năm sẽ diễn ra Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội 12 đang xin ý kiến đông đảo quần chúng nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại mở rộng, tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, vào cuối tháng Mười tới, Thụy Sỹ sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2015-2019. Với chế độ trung lập mà tiếng nói của người dân rất được coi trọng, lãnh đạo luân phiên trong bộ máy hành pháp từ Trung ương tới địa phuơng (3 cấp: Liên bang, Tiểu bang và cấp xã- phuờng) là đề tài tranh luận sôi nổi trong chính trường nước này. Lãnh đạo luân phiên và chỉ có một năm đương nhiệm là đặc điểm riêng biệt của Thụy Sỹ - không phải là quốc gia thành viên EU nhưng được hưởng quy chế EU.

Đối với Thụy Sỹ, Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Phó Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu, ông Schneider Ammann khi tiếp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong chuyến thăm Thụy Sỹ vào tháng Chín vừa qua đã khẳng định: Thụy Sỹ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh như tài chính, giáo dục, đào tạo nghề và mong muốn thúc đẩy hợp tác sản xuất nông nghiệp.

Hiện Việt Nam và Thụy Sỹ đang cùng nỗ lực thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) vào năm 2016. Hiệp định này nằm trong chiến lược chung của Thụy Sỹ tăng cường hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên tin rằng EFTA sẽ tạo ra động lực cho tăng cường quan hệ kinh tế song phương, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sỹ làm ăn, đầu tư tại Việt Nam.

Đó là quyết tâm của Việt Nam và Thụy Sỹ đã đuợc trao đổi qua các chuyến thăm của Lãnh đạo hai nước trong thời gian qua, coi đó là món quà tặng cho nhau vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày "sinh nhật" của quan hệ ngoại giao.

Nghiêm Văn Long
(Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Thụy Sỹ)