Thứ nhất, cuộc bầu cử có sự tham gia của 11 ứng cử viên này là phép thử mới nhất đối với làn sóng theo chủ nghĩa dân túy vốn đang lan rộng sau sự kiện Anh bỏ phiếu năm 2016 rời Liên minh châu Âu (EU) và sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.
Cử tri Pháp đi bỏ phiếu ngày 23/4. (Nguồn: Getty Images) |
Mặc dù làn sóng dân túy ở châu Âu đã nhanh chóng được dập tắt hồi tháng trước khi chính trị gia Geert Wilders cánh hữu thua cuộc trong bầu cử Quốc hội Hà Lan, nhưng cử tri Pháp có thể sẽ tái kích hoạt chủ nghĩa này sau cuộc bầu cử. Cuộc đua vòng 2 dự kiến giữa Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen và ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron sẽ là đáng chú ý bởi vòng 2 sẽ không bao gồm các đảng chính thống vốn điều hành nước Pháp trong hàng chục năm qua.
Thứ hai, kết quả cuộc bầu cử Pháp sẽ là chỉ dấu về mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Pháp. Tuần này, ông Trump đã gọi ứng cử viên Le Pen là người có tiếng nói "mạnh mẽ nhất về vấn đề biên giới” và “mạnh mẽ nhất về những gì đang diễn ra ở Pháp”. Mặc dù ông Trump không tỏ rõ sự ủng hộ đối với bà Le Pen, nhưng ông dự đoán vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris đêm 20/4 sẽ “có thể giúp” bà Le Pen.
Điểm lưu ý thứ ba là bóng ma khủng bố và chính sách di cư tới đây của Pháp. Trong những năm qua, Pháp liên tục hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố, và chủ nghĩa khủng bố đã gây ra nhiều tranh cãi căng thẳng giữa các ứng cử viên đối với vấn đề nhập cư. Vì vậy, kết quả bầu cử có thể cho thấy Pháp sẽ tiếp tục đối phó như thế nào với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu hiện nay.
Thứ tư là những cam kết về an ninh của Pháp. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ gần đây khẳng định cam kết của mình với NATO, thì ứng cử viên Le Pen tuyên bố ít nhất là rút một phần khỏi liên minh quân sự này. Nếu Paris rút khỏi NATO thì điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho Mỹ và các thành viên khác cả về vấn đề quân sự và tài chính. Ngoài ra, những động thái về an ninh của Pháp có thể sẽ hàm chứa những ẩn ý liên quan đến Nga. Bà Le Pen đã bày tỏ sự nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi gặp ông Putin hồi tháng trước, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Điểm lưu ý thứ năm là liệu Pháp sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý rời EU hay không. Trong cương lĩnh tranh cử của FN hồi tháng 2, ứng cử viên Le Pen đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp nếu EU từ chối loại bỏ việc sử dụng đồng tiền chung và không có sự kiểm soát biên giới. FN không phải là đảng duy nhất chỉ trích EU mà nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon cũng không ủng hộ tư cách thành viên EU của Pháp.