Nhỏ Bình thường Lớn

75 năm Liên hợp quốc: Vượt qua thăng trầm, trở thành tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới

TGVN. Sau 75 năm tồn tại và phát triển, Liên hợp quốc (LHQ) đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, còn khiếm khuyết nhưng thành tựu của LHQ là nổi bật. LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới.
khoa-74-dai-hoi-dong-lhq-hanh-dong-da-phuong-huong-toi-con-nguoi
Liên hợp quốc là diễn đàn để các nước thành viên thể hiện quan điểm tại Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, và các cơ quan và ủy ban trực thuộc khác. (Nguồn: QT)

Vị thế đặc thù với 4 mục tiêu, 6 nguyên tắc

LHQ chính thức thành lập vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương LHQ được phê chuẩn bởi Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký kết trước đó.

Với những quyền hạn do Hiến chương đem lại và vị thế quốc tế đặc thù, LHQ có thể đưa ra những quyết sách chung đối với những vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các quyền con người, giải trừ quân bị, khủng hoảng nhân đạo và y tế, bình đẳng giới…

LHQ cũng là diễn đàn để các nước thành viên thể hiện quan điểm tại Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, và các cơ quan và ủy ban trực thuộc khác. Thông qua việc thúc đẩy đối thoại, chủ trì thương lượng, LHQ trở thành cơ chế để các quốc gia thành viên thúc đẩy các điểm đồng và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung. LHQ hiện có 193 quốc gia là thành viên của tổ chức.

Theo Điều 1 của Hiến chương, LHQ được thành lập nhằm bốn mục tiêu sau: (i) Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; (ii) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; (iii) Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; (iv) Xây dựng LHQ làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của LHQ quy định trong Hiến chương là: (i) Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; (ii) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; (iii) Không đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; (iv) Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; (v) Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; (vi) Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

6 cơ quan chính với Hội đồng Bảo an “quyền lực”

Theo Hiến chương LHQ, LHQ gồm 6 cơ quan chính là:

Đại hội đồng (ĐHĐ): là cơ quan thảo luận và hoạch định chính sách mang tính đại diện bao trùm nhất của LHQ, gồm tất cả 193 quốc gia thành viên. Vào tháng 9 hàng năm, các vị Nguyên thủ và Lãnh đạo các quốc gia thành viên LHQ tụ họp tại Trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ để bắt đầu phiên thảo luận của Khóa họp thường niên ĐHĐ LHQ. Các thành viên ĐHĐ đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quỗc gia thành viên đều được một phiếu bầu. Hàng năm, ĐHĐ bầu ra Chủ tịch các Khóa họp thường niên với nhiệm kỳ 1 năm.

Hội đồng Bảo an (HĐBA): có trách nhiệm chính là gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế. HĐBA có 15 Ủy viên, trong đó có 5 Ủy viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) và 10 Ủy viên không thường trực được bầu đại diện cho các nhóm khu vực. Mỗi ủy viên đều có một phiếu bầu.

Theo Hiến chương, HĐBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả trừng phát, cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược. Các quyết định và nghị quyết của HĐBA khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. Chức Chủ tịch HĐBA được luân phiên giữa các nước ủy viên theo từng tháng.

Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC): là cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của LHQ, và được đặt dưới quyền của ĐHĐ. Phần lớn các nghị quyết và quyết định của ĐHĐ LHQ về kinh tế, xã hội, nhân quyền và nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị do ECOSOC trình lên. Hội đồng Kinh tế - Xã hội có 54 thành viên do ĐHĐ bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm. Đây cũng là diễn đàn chính của LHQ để thảo luận, đánh giá và đưa ra những ý tưởng và sang kiến thúc đẩy triển khai phát triển bền vững.

Hội đồng Quản thác: được thành lập theo Chương XIII của Hiến chương LHQ có nhiệm vụ giám sát quốc tế đối với 11 vùng lãnh thổ quản thác được đặt trong Hệ thống theo các thoả thuận riêng với quốc gia quản lý các vùng lãnh thổ này. Đến năm 1994, tất cả các vùng lãnh thổ quản thác này đã trở thành các vùng tự trị hoặc dành được độc lập.

Toà án Quốc tế: là cơ quan pháp lý chính của LHQ và có trụ sở ở La Hay, Hà Lan. Chức năng chính của Toà án Quốc tế là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, các vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu của toà án là áp dụng các tập quán quốc tế để thiết lập các quy tắc được các quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế được các quốc gia công nhận; các phán quyết của các toà án… Toà án cũng khuyến nghị ĐHĐ, HĐBA về lĩnh vực luật pháp, các vấn đề luật pháp nổi lên trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sinh ngày 30/4/1949 tại Bồ Đào Nha. Từ ngày 01/01/2017 đến nay, ông Antonio Guterreslà Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đặc biệt quan tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trong đó LHQ cần đóng vai trò trung tâm trong giải quyết các thách thức toàn cầu; nhấn mạnh hòa bình là điều kiện tiên quyết cho phát triển và kêu gọi thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp. Ông Antonio Guterres cũng bày tỏ quan tâm thúc đẩy cải tổ LHQ, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ nhằm nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động của tổ chức này trước những thách thức đối với thế giới hiện nay.

Ban Thư ký: gồm một Tổng Thư ký (TTK) và các nhân viên giải quyết các công việc hàng ngày của LHQ. TTK là viên chức quản lý cao nhất của tổ chức này, do ĐHĐ bổ nhiệm theo kiến nghị của HĐBA với nhiệm kỳ 5 năm. Kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay, LHQ đã có 9 vị TTK, gần đây nhất là TTK Atonio Guterres (tại vị từ tháng 1/2017 đến nay).

Ngoài ra trong hệ thống LHQ còn có rất nhiều các Chương trình, Quỹ, Cơ quan chuyên môn với bộ máy và ngân sách riêng. Các Chương trình và Quỹ có ngân sách hoạt động được lấy từ đóng góp tự nguyện trong khi đó các Cơ quan chuyên môn có ngân sách lấy từ cả nguồn đóng góp tự nguyện và đóng góp theo phân bổ hành năm.

75-nam-lien-hop-quoc-vuot-qua-thang-tram-tro-thanh-to-chuc-khong-the-thieu-trong-nen-chinh-tri-the-gioi
Một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

75 năm vì khát vọng chung nhân loại

Sự ra đời của LHQ năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ II.

Đến nay, LHQ đã trải qua 75 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện. Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, đóng góp lớn nhất của LHQ trong 75 năm qua là đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là LHQ đã triển khai 71 Phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, LHQ đóng vai trò hạn chế trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế do tác động của quan hệ Xô-Mỹ. Tuy nhiên, LHQ đã góp phần giải tỏa cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, chiến tranh Trung Đông năm 1973. Trong những năm 1990, các hoạt động của LHQ đã góp phần chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài như ở Campuchia, El Salvador, Guatemala và Mozambique.

LHQ đã triển khai 74 hoạt động gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù gặp phải một số thất bại và khó khăn, các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã có vai trò quan trọng trong việc lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột và hỗ trợ cho tiến trình tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên. Vì những hoạt động kể trên, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã được trao tặng Giải thưởng Hòa bình Nobel vào năm 1988, sau đó Tổ chức LHQ và ông Tổng Thư ký Kofi Annan được tặng Giải thưởng này vào năm 2001.

LHQ cũng đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa; LHQ đã soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị,…

Trong lĩnh vực phát triển, LHQ với hệ thống các chương trình, quỹ trực thuộc, các tổ chức chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ gắn với LHQ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.

Với việc lãnh đạo các nước thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào tháng 9/2015, cộng đồng quốc tế đã đề ra một khuôn khổ hợp tác phát triển cho đến năm 2030 (thay cho các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ) có tính bao trùm và toàn diện hơn, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, thông qua các nỗ lực của LHQ, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Năm 1948, Đại hội đồng LHQ thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị.

Ông Volkan Bozkir sinh ngày 22/11/1950 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ tháng 9/2020 đến nay, ông Volkan Bozkir là Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 75 (nhiệm kỳ từ tháng 9/2020-9/2021). Ông có hơn 45 năm kinh nghiệm về ngoại giao đa phương, hòa bình - an ninh, kinh tế và nhân quyền. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Ông Volkan Bozkir dự kiến sẽ quan tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ; thúc đẩy một chương trình nghị sự của LHQ vì nhân loại, đặc biệt quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương và bị áp bức; Chủ tịch Đại hội đồng cũng bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDG), đặc biệt tại các nước kém phát triển nhất; nâng cao chất lượng cuộc sống, quyền và sự tham gia của phụ nữ tại tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Từ ngày 21/9 - 2/10/2020 sẽ diễn ra Tuần lễ Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc bao gồm Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ và các sự kiện cấp cao bên lề khác.

Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, do quá trình hình thành và phát triển của LHQ phản ánh bối cảnh và so sánh lực lượng trên thế giới, chịu tác động của lợi ích các quốc gia, bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực, nên hiệu quả hoạt động của LHQ trên nhiều lĩnh vực còn hạn chế, chưa đáp ứng được với những thay đổi và thách thức toàn cầu mới cũng như những biến chuyển về so sánh lực lượng bên trong LHQ.

Trước tình hình đó, việc cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới là một yêu cầu cấp thiết khách quan.

Về cải tổ bộ máy của LHQ: Đa số các nước, nhất là các nước đang phát triển, muốn cải tổ để cân bằng hơn quyền lực của các cơ quan chính của LHQ, qua đó có sự cân bằng hơn trong việc xác định ưu tiên giữa các mục tiêu của LHQ với các nội dung cụ thể là (i) Làm sống động vai trò của Đại hội đồng, (ii) Cải tổ hoạt động của Ủy ban Kinh tế - Xã hội; và (iii) cải tổ Hội đồng Bảo an. Cải tổ HĐBA là vấn đề phức tạp nhất, được thảo luận nhiều nhất nhưng đến nay đạt ít kết quả nhất.

Tóm lại, sau 75 năm tồn tại và phát triển, LHQ đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, còn khiếm khuyết nhưng thành tựu của LHQ là nổi bật. LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Sự lớn mạnh của LHQ chính là nhờ ở mục tiêu đúng đắn của tổ chức phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc.

Việt Nam - thành viên tin cậy, chủ động, trách nhiệm của Liên hợp quốc

Việt Nam - thành viên tin cậy, chủ động, trách nhiệm của Liên hợp quốc

TGVN. Việt Nam từ một nước nhỏ đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục ...

Những dấu mốc trong quá trình Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc qua ảnh

Những dấu mốc trong quá trình Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc qua ảnh

TGVN. Ngày 20/9 - ngày kỷ niệm 43 năm (20/9/1977-20/9/2020) ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành ...

Trước thềm Kỳ họp Đại hội đồng LHQ: 'Việt Nam được đánh giá là một đối tác mạnh của LHQ'

Trước thềm Kỳ họp Đại hội đồng LHQ: 'Việt Nam được đánh giá là một đối tác mạnh của LHQ'

TGVN. Trước thềm Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 75 (GA75) sẽ khai mạc vào ngày 21/9, Đại sứ Đặng Đình ...

Thu Hiền