1. Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22-NQTW về hội nhập quốc tế
Ngày 28/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) - gồm 11 chương, 120 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Điều 12 của Hiến pháp đã viết: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố Hiến pháp. |
2. Mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng
Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là việc đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định. Lần đầu tiên ta đã xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng, trong đó có việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Italy, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Pháp; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ (sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện với Mỹ).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Italy. |
3. Vị thế Việt Nam được nâng cao trên các diễn đàn đa phương
Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được thể hiện một cách sinh động với nhiều hoạt động thành công tạo tiếng vang trên diễn đàn đa phương. Nổi bật nhất là việc lãnh đạo cấp cao của ta tham gia nhiều diễn đàn quốc tế lớn và có những bài phát biểu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhân chuyến thăm Mỹ và tại Ban Thư ký ASEAN nhân chuyến thăm Indonesia; Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri La về lòng tin chiến lược và Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã góp phần giúp thế giới hiểu hơn về chính sách đối ngoại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri La. |
4. Triển khai mạnh mẽ ngoại giao kinh tế, đưa hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu
Chúng ta đã chuyển từ chủ trương "mở rộng quan hệ, gia nhập và tích cực tham gia" sang "đi vào chiều sâu, chủ động đóng góp, khởi xướng và tham gia định hình". Lần đầu tiên, Việt Nam chủ động tham gia hình thành các FTA thế hệ mới, cùng một lúc đàm phán 6 FTA nhiều bên với tất cả các đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu. Nâng tầm tham gia và đẩy mạnh đóng góp ở các cơ chế kinh tế đa phương vào các quan tâm chung. Năm 2013 cũng ghi nhận nhiều chuyển biến đáng khích lệ trong vận động quy chế kinh tế thị trường (có thêm 14 đối tác công nhận nâng tổng số nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường lên 43 trong đó có 8 nước thành viên G20). Chủ động tháo gỡ các vướng mắc kinh tế, thương mại, thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, người lao động Việt Nam tại các nơi trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là một trong mười nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới với lượng kiều hồi khoảng 11 tỷ USD và có mức tăng bình quân khoảng 1 tỷ USD/năm.
5. Nhiều tin vui từ UNESCO
Ngày 19/11, Việt Nam đã trúng cử trong cuộc bầu chọn và lần đầu tiên trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới. Tin vui này thể hiện thành công và uy tín của Việt Nam trong phát triển bền vững gắn kết với bảo tồn văn hóa. Việt Nam nằm trong danh sách 11 quốc gia đạt được số phiếu bầu cao nhất và vượt 50% số phiếu yêu cầu.
Đờn ca tài tử Nam Bộ. |
6. Năm sôi nổi hoạt động ngoại giao văn hóa
Năm 2013 chứng kiến rất nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm năm chẵn, năm tròn như kỷ niệm 40 ngày Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước như Nhật, Pháp, Anh, Canada, Italy, Argentina, Vương quốc Bỉ... Nếu như Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013 diễn ra với nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật sôi động trên khắp mọi nơi ở Việt Nam và Nhật Bản thì Năm Pháp tại Việt Nam cũng hiện diện với hơn 150 sự kiện đa sắc màu trên cả nước. Lần đầu tiên, hơn 100 hoạt động văn hóa lớn nhỏ do Đại sứ quán Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại nhiều nơi trên đất nước Italy...
7. "Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế"
Đó là chủ đề của Hội nghị Ngoại giao 28 - Hội nghị kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI và năm đầu thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong các năm tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu bế mạc Hội nghị Ngoại giao 28. |
Hội nghị đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động, cụ thể hóa quyết tâm của ngành Ngoại giao đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
8. Việt Nam là đối tác phát triển với bạn bè thế giới
Lần đầu tiên sau 20 năm, Hội nghị các Nhà tài trợ (CG) được đổi tên thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VFPF), nâng tầm thành diễn đàn đối thoại đa phương về chính sách. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”.
Việt Nam hiện đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình, quan hệ hợp tác phát triển đối với các đối tác phát triển cũng sẽ có thay đổi phù hợp. Theo đó, các khoản ODA không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi, có lãi suất thấp sẽ ít hơn, thay vào đó là các khoản vay có lãi suất, và lãi suất cao hơn.
9. Diễn đàn tạo cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Trung Đông-Bắc Phi
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành lần đầu tiên tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các Đối tác Trung Đông - Bắc Phi trong hai ngày 4-5/11 tại Hà Nội.
Tham gia Diễn đàn có đông đảo các nhà hoạch định chính sách cùng các doanh nghiệp Việt Nam và 15 quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, đại diện các đại sứ quán, đại diện của các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội…
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các đối tác Trung Đông - Bắc Phi cùng với Việt Nam cùng bắt tay đưa hợp tác giữa hai bên thực chất hơn và ở tầm cao mới.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thì cho rằng, với dân số trên 520 triệu người và nhiều nền kinh tế lớn, lại đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông, Trung Đông - Bắc Phi không chỉ là điểm đến quan trọng của hàng hóa, lao động và dịch vụ mà còn là thị trường đầy tiềm năng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam./.
(TG&VN)