Nhiều tờ báo lớn đã nhận định chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva (9-10/7) đã “tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ song phương đang trên đà tốt đẹp giữa hai nước nói riêng cũng như giữa quan hệ Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh nói chung”. Đại sứ Brazil tại Việt Nam Neto cho biết, chuyến thăm khẳng định Chính phủ Brazil rất coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam và mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ này.
Quyết tâm chính trị cao
Trong chưa đầy 24 giờ tại Việt Nam, Tổng thống Lula da Silva đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, gặp gỡ doanh nghiệp...
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, ngành nhằm tăng cường hiểu biết, tìm ra những lĩnh vực và phương thức hợp tác hiệu quả, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của nhau như nông nghiêp, công nghệ sinh học, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông...; thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo... Hai bên cùng khẳng định sự khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, thiết lập quan hệ làm ăn trực tiếp, góp phần nâng cao giá trị trao đổi thương mại song phương và làm cầu nối cho nhau thâm nhập vào các không gian kinh tế khu vực rộng lớn hơn.
Phía Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Brazil trong việc được miễn trừ các nghĩa vụ tự do hóa theo Vòng Đàm phán Doha trong nông nghiệp. Tổng thống Lula tuyên bố, Brazil quyết định thành lập nhóm công tác kỹ thuật để xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Nhìn lại quan hệ Việt Nam-Brazil thời gian qua, nhất là khi Chính phủ thiên tả do Tổng thống Lula lên nắm quyền năm 2002, quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển rất tốt đẹp, quan hệ kinh tế, thương mại cũng từng bước phát triển. Đặc biệt, mối quan hệ này được thúc đẩy mạnh mẽ sau chuyến thăm chính thức Brazil tháng 5/2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với kết quả lớn nhất là Tuyên bố chung Cấp cao khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Liên tiếp sau đó, phía Brazil đã có nhiều quan chức cấp cao sang thăm Việt Nam. Có thể kể đến, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Celso Amorim (tháng 2), chuyến thăm của Bộ trưởng Phát triển xã hội và chống đói nghèo Patrus Ananias (tháng 3) và của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng viện Heráclito Fortes. Các chuyến thăm trên đã “góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác cũng như đối thoại song phương và thiết lập các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước”.
Khai phá những tiềm năng Nhân dịp này, Việt Nam và Brazil đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thành lập Uỷ ban Hỗn hợp giữa hai Chính phủ; Hiệp định khung về Hợp tác Khoa học-Công nghệ; Bản Ghi nhớ về Hợp tác trên lĩnh vực Thể thao và Bản Ghi nhớ về Hợp tác chống đói nghèo.
Việt Nam và Brazil là hai nền kinh tế năng động có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Với tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam đang chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Không chỉ là một thị trường lớn với dân số trên 80 triệu người, Việt Nam còn là cầu nối với khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Trung Quốc. Trong khi đó, Brazil là nền kinh tế lớn của Nam Mỹ với dân số gần 200 triệu người và là cửa ngõ quan trọng vào thị trường Nam Mỹ...
Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Brazil phát triển hơn nữa hợp tác thương mại. Hiện Tập đoàn dầu khí Brazil và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng đã bàn bạc khả năng hợp tác và thăm dò dầu khí, Chính phủ hai nước cũng đã thảo luận hợp tác phát triển nông nghiệp, các công ty xây dựng của Brazil cũng đang bàn bạc hợp tác xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam...
Nếu như năm 1989, năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại hai chiều mới chỉ đạt 16 triệu USD thì đến năm 2007, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Brazil đã đạt hơn 323 triệu USD. Tính từ năm 2003 đến năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng gấp gần 8 lần. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Brazil đạt hơn 106 triệu USD, tăng 41%, và nhập khẩu khoảng 216 triệu USD, tăng gần 68%. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2007, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Brazil không đáng kể. Brazil mới có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,6 triệu USD, đứng thứ 61 trong 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo dự tính, thương mại song phương sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2010. Các chuyên gia kinh tế nhận định, con số này hoàn toàn có thể đạt được vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai nước đều cao. Hai bên luôn khẳng định sự cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại của mỗi nước tại hai khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Tuy hiện nay tổng kim ngạch giữa hai nước vẫn tăng dần từng năm, nhưng các nhà lãnh đạo hai nước vẫn thừa nhận trao đổi thương mại vẫn có thể cao hơn nữa để xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Brazil với Việt Nam đang được dự báo là sẽ tăng lên, đạt gần 500 triệu trong năm nay. Nhưng mức này vẫn còn thấp hơn nhiều so với tổng kim ngạch của Brazil với một số nước ASEAN khác như Singapore (2,58 tỷ USD), Thái Lan (1,97 tỷ USD) và Malaysia (1,95 tỷ USD)… Nhằm thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại hai nước, giới doanh nghiệp Việt Nam và Brazil cần có thêm nhiều thông tin cũng như tiềm năng của nhau. Vì lẽ đó mà Hội thảo “Việt Nam-Brazil: Xây dựng quan hệ đối tác mới” đã được tổ chức nhân chuyến thăm của Tổng thống Brazil tới Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hiểu hơn về tiềm năng, cũng như thế mạnh của mỗi bên. Không chỉ có vậy, sự hiện diện của Tổng thống Brazil tại Hội thảo còn thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Brazil trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam.
Hơn thế, Việt Nam và Brazil đã có khuôn khổ đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi và đều coi trọng quan hệ với nhau phù hợp với chính sách hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam, của Brazil cũng như chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, coi trọng quan hệ với các nước châu Mỹ Latinh, trong đó có Brazil, của Việt Nam. Ngoài ra, hai nước đã ký một số Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hợp tác cùng có lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, hai bên đã ký Nghị định thư về hợp tác kỹ thuật và sử dụng cồn Ethanol. Đây là lĩnh vực mà Brazil có thế mạnh (nước này đứng thứ hai thế giới về sản xuất Ethanol) và phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới ngày càng tăng.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của một nguyên thủ Brazil chắc chắn sẽ mở ra trang mới trong quan hệ đối tác toàn diện cùng có lợi giữa hai nước, mở đầu một loạt những sự kiện và hoạt động trọng thể kỷ niệm lần thứ 20 ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989- 8/5/2009).
Ngọc Mai