Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ACMECS-6. |
Hàng trăm đại biểu là các nhà lãnh đạo, các quan chức, cộng đồng doanh nghiệp, giới truyền thông các quốc gia thành viên ACMECS đã tham dự Hội nghị ACMECS lần thứ sáu diễn ra tại Myanmar.
Quyết tâm củng cố quan hệ láng giềng
Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ACMECS-6, Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein đã nhấn mạnh rằng sau hơn mười năm, sự hợp tác chiến lược mà các nước thành viên ACMECS tích cực thúc đẩy đã có những tiến triển tích cực. Nền kinh tế năm nước đều đang khởi sắc, tăng trưởng tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á.
“Chúng ta cần duy trì động lực và sự tiến bộ đó. Chúng ta cần phải khôi phục các cam kết chính trị mà chúng ta đã thể hiện trong Tuyên bố Bagan về hội nhập khu vực”, ông Thein Sein nói.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện giữa năm quốc gia và thúc đẩy hợp tác ACMECS. Rõ ràng là sự hợp tác mạnh mẽ hơn và gần gũi hơn giữa các nước ACMECS sẽ có lợi cho khối ASEAN trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ACMECS-6. |
Đánh giá về Kế hoạch hành động giai đoạn 2013–2015, các nhà lãnh đạo cho rằng Kế hoạch đã đạt tiến bộ nhất định, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa năm nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), phát triển du lịch xanh và hợp tác nông nghiệp.
Sống động hơn và thực chất hơn
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực đầy biến động khó lường, các nhà lãnh đạo nhất trí cần thúc đẩy hợp tác ACMECS theo hướng hiệu quả và thực chất, cùng tận dụng cơ hội và đối phó với những thách thức mới, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế các nước thành viên ACMECS nói riêng và trong tiểu vùng Mekong nói chung.
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh đó, các nước thành viên cần tận dụng các cơ hội phát triển mới mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Tám lĩnh vực hợp tác ưu tiên được xác định, đó là tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, hợp tác công nghiệp và năng lượng, kết nối giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và hợp tác về môi trường.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị, Kế hoạch hành động ACMECS 2016–2018 và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS-7 tại Việt Nam cùng thời gian tổ chức Hội nghị Cấp cao bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV-8).
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo đã đánh giá cao vai trò và khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp và các đối tác phát triển trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Sáng kiến của Việt Nam về việc phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức một diễn đàn đối thoại chính sách kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mekong bên lề hai hội nghị ACMECS-7 và CLMV-8 trong năm tới đã đạt được sự đồng thuận cao tại Hội nghị.
Vai trò dẫn dắt của Việt Nam
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ACMECS lần này nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện vai trò dẫn dắt trong hợp tác Mekong và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ACMECS-6. |
“Việt Nam chúng tôi luôn coi trọng hợp tác ACMECS và sẵn sàng cùng các nước thành viên, các đối tác phát triển triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực của chúng ta”, Thủ tướng nói.
Ngoài cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ACMECS triển khai các chương trình hợp tác chung, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đề nghị hợp tác trong giai đoạn tới cần chú trọng đến ba nội dung quan trọng. Nông nghiệp là lĩnh vực có tiềm năng và cũng là ngành sản xuất chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất tại các nước ACMECS, do đó, cần thiết phải nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp của các nước thành viên thông qua việc tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng và từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nước ACMECS cần tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại giữa năm nước, đặc biệt là dọc các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng và hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawaddy, Chao Phraya và Mekong, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên.
Đây là lần thứ hai Myanmar đăng cai Hội nghị cấp cao ACMECS. Vào tháng 11/2003, tại Hội nghị cấp cao Bagan ở Myanmar, ACMECS đã chính thức ra đời theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ban đầu gồm bốn nước là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Việt Nam chính thức tham gia diễn đàn khu vực này tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái Lan, tháng 11/2004. |