📞

ADB giữ nguyên dự báo GDP Việt Nam năm 2013 là 5,2%

17:25 | 02/10/2013
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2013 vừa được ADB công bố ngày 2/10, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 vẫn ở mức 5,2% và những tiến bộ dần dần đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng đạt 5,5% trong năm tới.

Dự báo về lạm phát cũng được ADB điều chỉnh giảm xuống còn 6,5% trong năm 2013, do lạm phát giá lương thực đã giảm nhanh hơn dự kiến. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên khoảng 7,2% trong năm 2014, do chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn vốn khả dụng tăng.

“Tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực ngân hàng. Giải quyết được vấn đề nợ xấu sẽ tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, mà không làm gia tăng lạm phát.”, báo cáo nhấn mạnh

Nợ xấu tiếp tục là trở ngại của nền kinh tế

Bản báo cáo cập nhật ADO đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Bản báo cáo cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

“Việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ,” ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định. “Nếu thực hiện được các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng thì đã có thể giảm bớt được rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư.", ông nói.

“Những tiến bộ dần dần trong việc xử lý nợ xấu sẽ cải thiện được lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo động lực cải thiện hoạt động tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP“, ông Kimura nhấn mạnh.

Báo cáo cho rằng, mặc dù lãi suất chính sách đã giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi các bản cân đối tài sản yếu kém của các ngân hàng thương mại, những mối quan ngại về tình hình tài chính của người vay, thị trường bất động sản èo uột và cầu tín dụng thấp. Việc được tiến bộ trong xử lý nợ xấu sẽ cho phép tiếp tục hạ thấp lãi suất và tăng thêm nguồn vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Các chuyên gia của ADB khuyến nghị, nếu không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài, dưới mức 7%-8% đã đạt được trong giai đoạn 2002-2007.

GDP sẽ tăng nhẹ trong năm 2014

Đánh giá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới, ADB dự báo tăng trưởng sẽ tăng nhẹ trong năm 2014, so với năm nay. Những số liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP trong giai đoạn tháng 6 - tháng 9 tăng lên 5,5% so với cùng kỳ năm trước, so với 4,9% trong sáu tháng đầu năm, nhờ cải thiện kết quả trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Cũng theo ADB, tiến bộ dần dần trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ cải thiện lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc hạ thấp lãi suất trong năm 2013 sẽ tạo đà cho tăng trưởng. Một số biện pháp kích thích tài khóa cũng có khả năng sẽ được áp dụng. Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên trên 5% GDP trong năm sau, trong bối cảnh giảm nguồn thu. Cuối cùng, tình hình thương mại toàn cầu dự báo cũng sẽ cải thiện phần nào trong năm 2014.

Cán cân vãng lai dự báo sẽ thặng dư trong cả năm nay và năm sau, mặc dù dự báo giảm đi so với ADO 2013 do kỳ vọng về tăng trưởng nhập khẩu. Sự gia tăng nhanh chóng các mặt hàng xuất khẩu từ các công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm bớt. Xu hướng này có thể tiêp tục, do tỉ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân so với GDP đã giảm một nửa trong giai đoạn 2008-2012. Xuất khẩu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất lớn vào bức tranh xuất khẩu trong hai năm qua, trong khi xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước không có sự gia tăng.

Ngân sách tiếp tục bơm thêm cho nền kinh tế thông qua gói biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện từ đầu năm gồm chính sách giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được ADB đánh giá khá tích cực.

Các giải pháp được thực hiện kể từ ngày 1/7/2013 gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; áp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với nhà ở xã hội; nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân cùng với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội cũng được ADB đánh giá cao.

Kim Giang