📞

ADB: Năng suất sáng tạo của Việt Nam ở mức trung bình

13:13 | 15/09/2014
Theo báo cáo Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố hôm 12/9, Việt Nam đứng thứ 16/24 quốc gia, khả năng sáng tạo được đánh giá chỉ ở mức trung bình,
(Ảnh minh họa)

Chỉ số năng suất sáng tạo được ban hành là thước đo khả năng sáng tạo và sáng kiến của các nền kinh tế thông qua việc so sánh giữa đầu tư vào sáng tạo (đầu vào) với sản phẩm sáng tạo (đầu ra). Ở phương diện đầu vào, khả năng sáng tạo được tính theo 3 nhóm lớn: mức độ sáng tạo, động cơ sáng tạo và độ thuận lợi của môi trường cho sáng tạo. “Đầu ra” được cân nhắc trên cả các tiêu chí truyền thống, như số bằng sáng chế, và các tiêu chí nhằm tạo ra tri thức.

CPI được tính dựa trên 36 chỉ số “đầu vào” như nền kinh tế đó có bao nhiêu trường đại học được xếp trong danh sách 500 trường hàng đầu thế giới, tỷ lệ đô thị hóa, chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng, quan liêu…Tám chỉ số “đầu ra” gồm số bằng sáng chế được phát minh, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, số sách và phim ảnh được sản xuất…

Báo cáo cho biết, cơ quan tiến hành khảo sát muốn thông qua CPI để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách công cụ đánh giá sự tiến bộ trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và sáng kiến tại 22 nền kinh tế ở châu Á và có so sánh với Mỹ và Phần Lan.

Theo đó, trong 24 nền kinh tế, Nhật Bản đứng hàng đầu về CPI, tiếp đến là Phần Lan và Hàn Quốc. Pakistan xếp thứ 23 và cuối cùng là Campuchia.

Đứng thứ 16/24 quốc gia, Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình về “đầu vào” nói chung nhưng yếu về “đầu ra”. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

ADB nhận định, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp nhân lực, với 27,2 điểm trên 100. Dù hơn 90% dân số biết chữ, hệ thống trường lớp và chương trình học của Việt Nam được cho là đã lỗi thời. Việt Nam thiếu kỹ năng trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin, ngân hàng và tài chính. Thứ hạng của Việt Nam về “đầu ra” thấp vì sản phẩm khoa học nghèo nàn, kể cả sáng chế và công bố khoa học trong các ấn phẩm chuyên ngành

Để tăng chất lượng “đầu ra” trong lĩnh vực khoa học, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tập trung đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đại học và cao học nhằm thu hút nhiều hơn sinh viên tham gia vào các chương trình mang tính chất khoa học và khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Xuân Cúc