📞

ADB: Việt Nam bảo đảm sức chống chịu cao của nền kinh tế

Linh Chi 09:36 | 19/01/2024
Chính phủ Việt Nam đã đạt được sự cân bằng giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá tốt so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên TG&VN như vậy về thành quả kinh tế, triển vọng và các động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,05%. Ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng này? Đâu là điểm sáng của nền kinh tế?

Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và căng thẳng địa chính trị trên thế giới ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,05%, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ bất chấp những điều kiện không thuận lợi của môi trường bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.

Mặc dù không được như kỳ vọng, nhưng nền kinh tế cũng đạt mức tăng trưởng tương đối cao - điều mà nhiều nền kinh tế khác đều mong muốn.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 12/2023, ADB đã đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là 5,2% - gần với mức mà Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã công bố.

Có thể thấy, đất nước đã có những bước đi đúng đắn để đảm bảo sức chống chịu cao của nền kinh tế trước những thách tức toàn cầu. Nói một cách cụ thể hơn, Chính phủ đã đạt được sự cân bằng giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá tốt so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Các yếu tố chính giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi khá tốt - đây cũng có thể coi là những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023 - bao gồm giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của các dịch vụ trong nước, du lịch.

Việc giải ngân đầu tư công tuy còn chưa được như kỳ vọng nhưng đã có tác động thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy những kết quả tích cực. Báo cáo đánh giá của chúng tôi và số liệu Tổng cục Thống kê công bố đều có chung nhận định năm 2023, Việt Nam đã làm tốt công tác thu hút và giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh những điểm tích cực, theo ông, năm qua, nền kinh tế gặp phải những khó khăn gì?

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt, ứng phó kịp thời trước những khó khăn thách thức trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến là do những nguyên nhân khách quan của môi trường bên ngoài cũng như các vấn đề nội tại.

Nhu cầu toàn cầu suy giảm, bao gồm cả sự phục hồi chậm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực sản xuất, chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho phục hồi nhu cầu bên ngoài và gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái VND/USD.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những “cơn gió ngược” ngày càng mạnh hơn, có thể dễ dàng nhận thấy ở số liệu tăng trưởng thương mại âm, mặc dù thặng dư thương mại khá lớn, gần 26 tỷ USD. Điều này có nghĩa là các đơn đặt hàng xuất khẩu trong lĩnh vực chế xuất vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường việc làm trong khu vực này vẫn chưa ổn định.

Một thách thức nữa là tăng trưởng tín dụng còn chậm. Tính đến đầu tháng 12/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 9,15% so với mục tiêu 14-15% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tín dụng còn thấp do các hoạt động kinh tế phục hồi chậm, trong đó có những thách thức đến từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Cuối cùng, những vấn đề mang tính hệ thống trong nước liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công và những điểm yếu về cơ cấu của nền kinh tế là những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ trong năm 2023 mà còn trong những năm tiếp theo, nếu như tình hình không được cải thiện.

Việt Nam cần tiếp tục gia tăng các biện pháp tài khóa kết với với chính sách tiền tệ phù hợp như giữ lãi suất ở mức tương đối thấp để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. (Nguồn: Shutter Stock)

Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 được Quốc hội đặt ra là 6-6,5%. Ông nhận định thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay? Đâu sẽ là những động lực tăng trưởng?

Các báo cáo gần đây của ADB đều nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2024. Vì thế, nhu cầu bên ngoài dự kiến cũng phục hồi chậm. Những yếu tố bất ổn của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật xuất bản tháng 12/2023, Ngân hàng của chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2024, với nhận định khu vực bên ngoài sẽ có sự phục hồi nhất định và các động lực tăng trưởng trong nước sẽ tiếp tục đà phục hồi từ năm 2023.

Các yếu tố chính giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi khá tốt - đây cũng có thể coi là những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023 - bao gồm giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của các dịch vụ trong nước, du lịch.

Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, trong đó, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu là ba động lực tăng trưởng chính. Việt Nam cần tiếp tục các chính sách tài khóa thận trọng và chính sách tiền tệ linh hoạt đã được áp dụng từ năm 2023 để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng.

Hơn nữa, Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh đầu tư công như một biện pháp kích thích tài khóa. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng quan trọng không chỉ kích thích các hoạt động kinh tế nói chung, mà còn hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, tăng thêm các cơ hội việc làm.

Việt Nam cần tiếp tục gia tăng các biện pháp tài khóa kết với với chính sách tiền tệ phù hợp như giữ lãi suất ở mức tương đối thấp để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu phục hồi chậm, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh khai thác các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã tham gia ký kết.

Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam khơi thông nguồn lực phát triển và tăng trưởng trong năm nay?

Chính phủ cần tiếp tục những biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả chỉ đạo thực hiện các chính sách điều hành kinh tế nói chung. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cần được thực hiện thận trọng trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn.

Trong ngắn hạn, cần mở rộng các chính sách tài khóa và sử dụng chính sách tiền tệ như công cụ hỗ trợ. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách có hiệu quả.

Các số liệu thống kê đã cho thấy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi cầu bên ngoài giảm thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chưa thể bù đắp phần giảm kim ngạch của các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách tái cơ cấu nền kinh tế.

Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nắm bắt cơ hội để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số mạnh hơn để tạo ra các giá trị trong chuỗi giá trị, nhằm cải thiện hoạt động xuất khẩu và tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam cần coi đây là cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách đẩy mạnh những cải cách nâng cao chất lượng các dịch vụ công, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục quan liêu… nhằm tạo điều kiện thuận lợi thêm cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI có chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)