Nhỏ Bình thường Lớn

ADMM-9: Cam kết hợp tác chống IS

"Duy trì an ninh và ổn định trong khu vực vì nhân dân và do nhân dân" là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ chín (ADMM-9) tại Malaysia từ 15-16/3.
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Hội nghị ADMM-9.

Bộ trưởng Quốc phòng mười quốc gia thành viên đã nhất trí về việc tăng cường hợp tác quốc phòng trong các nước ASEAN và với ADMM mở rộng (ADMM+), góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chung tập trung đẩy mạnh an ninh khu vực, bao gồm định hướng giải quyết những vấn đề liên quan đến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Biển Đông.

Mối đe dọa từ IS

Các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng của tổ chức IS và các nhóm khủng bố, cực đoan ở Iraq và Syria.

Trong những tháng qua, với diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, ASEAN đã nhận ra được mức độ nghiêm trọng của tổ chức IS. Tại cuộc họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng trước, các Bộ trưởng đã tuyên bố "lên án bạo lực tàn ác của các tổ chức cực đoan tại Iraq và Syria", những hành động cực đoan đó đã đe dọa hòa bình, ổn định của mọi khu vực trên thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định: "Đây chính là khoảnh khắc lịch sử để các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN bắt tay nhau, cùng giải quyết mối đe dọa nghiêm trọng này từ việc chia sẻ thông tin tình báo đến giám sát các chương trình, sự phát triển của tổ chức IS".

Hội nghị một lần nữa lên án hành động khủng bố và phá hoại của tổ chức này, thống nhất lập trường chống lại các mối đe dọa an ninh của IS trong khu vực và nhất trí cần thiết phải hợp tác hơn nữa để đối phó với các mối đe dọa nhằm bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực. Bên cạnh chia sẻ thông tin tình báo, theo dõi sự phát triển của IS, biện pháp nâng cao nhận thức trong công chúng cũng được các Bộ trưởng đánh giá cao.

Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Malaysia cho biết mục tiêu chống lại nguy cơ từ tổ chức IS sẽ vẫn là ưu tiên của ASEAN đến hết năm 2015, nếu như mối đe dọa còn tiếp diễn. Bộ trưởng Anifah đã từng cho biết Malaysia sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng bàn về chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa cực đoan vào tháng Mười tới. Singapore cũng dự kiến tổ chức một chuyên đề vào tháng Tư giữa các nước tại Hội nghị cấp cao Đông Á để chia sẻ kinh nghiệm xung quanh chủ đề này.

Chú trọng an ninh phi truyền thống

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã đưa ra đề xuất nhằm đảm bảo an ninh nội khối ASEAN, chú trọng tới an ninh phi truyền thống như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu. Bản phác thảo về việc hình thành một trung tâm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa khu vực (HADR) cũng như đề xuất của Thái Lan về trung tâm quân y ASEAN đã được thông qua. Các Bộ trưởng khẳng định các hoạt động này phải được thực hiện phù hợp với nguyên tắc của ASEAN về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước được giúp đỡ.

Về vấn đề Biển Đông, trong tuyên bố chung các thành viên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, ứng xử Biển Đông theo các nguyên tắc phổ biến được công nhận bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm mười năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và sẵn sàng hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các Bộ trưởng tuyên bố đóng góp vào việc phát triển Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015, thúc đẩy vai trò của ADMM trong việc củng cố Cộng đồng ASEAN và tăng cường đối thoại với ADMM+ (bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ) để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN cũng được hội nghị tiếp tục thảo luận và nhiều đại biểu tỏ ra lạc quan về tương lai của tổ chức này.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các sáng kiến của Việt Nam được Hội nghị đánh giá cao. Đó là: Đề cao sự chân thành và trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên trong việc đảm bảo và duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn trong khu vực; Tăng cường vai trò của ADMM thông qua cách tiếp cận về an ninh toàn diện ASEAN đang hình thành và nâng cao hiệu quả thực chất của các hoạt động trong khuôn khổ ADMM; Tăng cường quan hệ song phương về quốc phòng giữa các quốc gia ASEAN, trong đó chú trọng tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến va chạm và xung đột. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động hợp tác ADMM vào năm 2016, Việt Nam đề nghị có đánh giá tổng kết và kiến nghị định hướng cho ADMM trong giai đoạn 5-10 năm tiếp theo. Cuối năm 2015, Việt Nam đề xuất đăng cai tổ chức hội thảo về chống cướp biển trong khuôn khổ ASEAN.



Hằng Phạm