Nhỏ Bình thường Lớn

AEC là cơn bão đối với doanh nghiệp yếu kém ở Việt Nam

Đó là nhận định GS. TS John Behzad, thành viên Hội đồng tư vấn Học thuật - Đại học quản trị Paris tại Việt Nam tại Hội thảo"Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp trong và sau 2015" vừa tổ chức tại Hà Nội.
Doanh nghiệp da giày Việt Nam và Thái Lan trao đổi tìm cơ hội hợp tác.

Đánh giá về cơ hội và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), GS. TS John Behzad cho rằng, Việt Nam đã có cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất.

Ông ví von: "Việc AEC ra đời sẽ là cơn bão đối với nền kinh tế Việt Nam, cuốn đi tất cả doanh nghiệp yếu kém. Sau bão sẽ chỉ còn những doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, minh bạch cao và đầy nhiệt huyết".

Theo ông, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là chưa thực sự quan tâm đúng mức đến những yếu tố từ bên ngoài và nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để tận dụng được cơ hội trong quá trình hội nhập.

"Tuổi đời còn quá trẻ khiến doanh nghiệp Việt Nam thiếu đi kinh nghiệm trong vấn đề cạnh tranh. Cơ cấu các công ty rất phức tạp so với các công ty quốc tế. Hiện nay, mô hình gọn nhẹ đang giúp các công ty quốc tế hoạt động hiệu quả, thúc đẩy hoạt động cải tiến hay đơn giản là dám chấp nhận sáng kiến để phát triển. Trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp phải thường xuyên cải tiến sáng tạo mới có thể cạnh tranh tốt trên thị trường", ông Behzad khẳng định.

Còn theo GS. John Vong, cố vấn cấp cao cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 6-7%, cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN (5%). Từ những số liệu thống kê, ông đánh giá Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là bốn nước đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất của khối ASEAN trong thời gian qua và Việt Nam đang vượt Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực sông Mekong.

GS. John Vong cho biết, còn nhiều người hiểu lầm về khái niệm "cạnh tranh" khi AEC được thành lập vào cuối năm nay. Cạnh tranh không có nghĩa là các thành viên trong khu vực phải cạnh tranh cùng nhau để vươn lên. Thay vào đó, các quốc gia cần xác định thế mạnh của mình và chuyên môn hóa để tăng cường sức cạnh tranh chung của khối ASEAN đối các khu vực khác trên thế giới. Ông cũng lưu ý Đông Nam Á là khu vực có thế mạnh về nông nghiệp, việc các nước thành viên của ASEAN đều tham gia sản xuất lúa gạo sẽ khiến các quốc gia gặp nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh và mất đi thị trường. Việc cùng nhau khai thác như vậy chỉ làm lãng phí nguồn lực.

"Năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng số vốn nước ngoài đầu tư vào các nước ASEAN đã vượt qua tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Do vậy chúng ta có thể lạc quan nhìn nhận khu vực ASEAN đang dần nổi lên và trở thành một trong những thị trường mới, thu hút các nhà đầu tư", theo ông John Vong.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Ứng phó với các chính sách trong nước và triển vọng kinh tế vĩ mô trong các năm tới; Những chiến lược kinh doanh thiết yếu cho sự sống còn của doanh nghiệp và ứng biến trước tình hình giá dầu giảm và thị trường bất ổn...

Hoàng Quân