Theo tuyên bố của Bộ Nội vụ Ai Cập, các lực lượng an ninh quốc gia đã phát hiện và tấn công một hang ổ của khủng bố tại khu vực sa mạc nằm giữa Ramadan City và Belbies ở tỉnh đồng bằng châu thổ Sharqiya của Ai Cập. Giao tranh đã xảy ra giữa hai bên và cuộc đấu súng khiến 5 phần tử khủng bố phải bỏ mạng.
Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh danh tính của những kẻ khủng bố bị thiệt mạng. Lực lượng cảnh sát cũng thu giữ một số vũ khí, đạn dược, thiết bị nổ tự chế (IED) và các chất nổ khác tại hang ổ của bọn khủng bố.
Cảnh sát canh gác tại Cairo, Ai Cập. (Nguồn: Reuters) |
Ngoài ra, 6 phần tử khủng bố khác đã bị bắt giữ trong đợt truy quét quy mô lớn diễn ra tại khu vực lân cận giữa Cairo và Assiut.
Các đợt truy quét khủng bố này nằm trong chiến dịch an ninh trên quy mô toàn quốc, nhằm phát hiện và loại bỏ các phần tử khủng bố muốn phá vỡ an ninh và ổn định ở Bắc Sinai và nhiều tỉnh khác của Ai Cập. Đợt truy quét càng trở nên quan trọng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào nhà thờ Hồi giáo Al-Rawda tại tỉnh Bắc Sinai, khiến hơn 300 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương, trong đó có 27 trẻ em.
Cùng ngày 4/12, Liên đoàn Arab (AL) đã bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ hoàn toàn đối với Ai Cập trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp khẩn theo đề nghị của Ai Cập, AL nhất trí ủng hộ những biện pháp của các nước thành viên nhằm duy trì an ninh và ổn định khu vực cũng như đảm bảo an toàn cho người dân trong khối.
AL tuyên bố, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố là một nguyên tắc quan trọng của quyền con người, do những tác động nghiêm trọng của các hành động khủng bố đối với khả năng hưởng thụ các quyền kinh tế, xã hội và chính trị của người dân trong khu vực.
Tuyên bố của AL cũng kêu gọi các nước thành viên sẵn sàng đối đầu toàn diện với tất cả các nhóm khủng bố và cực đoan, cho rằng thế giới không nên tập trung vào một số nhóm khủng bố nhất định mà bỏ qua những nhóm khác, đặc biệt là những thành phần truyền bá các tư tưởng bạo lực.
Bên cạnh đó, AL cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác tư pháp giữa các nước Arab nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền, các hoạt động tài trợ cho khủng bố, cũng như khủng bố không gian mạng.
Tuyên bố chung của AL hối thúc các nước thành viên tăng cường trao đổi thông tin về các cá nhân và nhóm khủng bố cũng như cập nhật chiến lược chống khủng bố của khối Arab được xây dựng từ năm 1997.
Về phần mình, Ai Cập đã kêu gọi tất cả các nước Arab cùng phối hợp để soạn thảo một kế hoạch toàn diện và hiệu quả nhằm giải quyết và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.
Tại cuộc họp khẩn, ông Yasser Al-Atawi, đại diện thường trực của Ai Cập tại AL, kêu gọi các nước Arab từ bỏ cách tiếp cận trước đây trong việc giải quyết các nhóm khủng bố. Ai Cập hy vọng rằng cuộc họp khẩn sẽ là "bước ngoặt" trong các "nỗ lực Arab" nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Đề cập đến vụ tấn công khủng bố nhằm vào đền thờ Hồi giáo Arwada hồi tháng trước, ông Al-Atawi cho rằng, vụ tấn công sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm của Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một tầm nhìn chống khủng bố dài hạn của khối Arab.
Theo quan chức này, tất cả các quốc gia Arab nên tham gia Công ước Toàn diện của Liên hợp quốc về Chống Chủ nghĩa khủng bố Quốc tế (CCTT).