Ai Cập và FAO phát động sáng kiến chuyển đổi bền vững các hệ thống nông nghiệp và lương thực. (Nguồn: FAO) |
Sáng kiến FAST hướng tới mục tiêu tăng cường đóng góp tài chính khí hậu cho các hệ thống nông nghiệp và lương thực nhằm hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Ai Cập, nước chủ nhà đồng thời là nước Chủ tịch COP27, cho biết sáng kiến này sẽ giúp củng cố và nâng cấp các hệ thống lượng thực và nông nghiệp nhằm mang lại nhiều lợi ích cho con người, hành động khí hậu và thiên nhiên.
Các quốc gia sẽ hỗ trợ sáng kiến này thông qua quan hệ đối tác nhiều bên nhằm đảm bảo hệ thống lương thực được củng cố bằng các chính sách khí hậu. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào các hành động cụ thể để hỗ trợ thích ứng và duy trì lộ trình đạt mục tiêu nhiệt độ Trái đất tăng 1,5 độ C đối với an ninh lương thực và kinh tế.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang tác động bất cân xứng đến những cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Để giải quyết sự mất cân bằng này, chúng ta cần phải phát triển các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực".
Phát biểu tại lễ ra mắt FAST, ông Shoukry nói rằng, thông qua sáng kiến này, thế giới sẽ huy động để khơi thông các dòng tài chính nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi cần thiết trong các hệ thống nông sản.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc FAO Maria Helena Semedo nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động chuyển đổi mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực, hỗ trợ các quốc gia và đảm bảo các nhà sản xuất lương thực trong toàn bộ chuỗi giá trị có thể tiếp cận các nguồn lực.
Ai Cập cho biết thêm các ưu tiên hành động của sáng kiến FAST bao gồm khả năng tiếp cận tài chính bằng cách nâng cao năng lực của các quốc gia để xác định và tăng cường khả năng tiếp cận vốn đầu tư và tài chính khí hậu; nâng cao kiến thức và năng lực bằng cách cung cấp các phân tích cần thiết; và xây dựng các hướng dẫn tự nguyện cũng như hỗ trợ phát triển năng lực, hỗ trợ chính sách và đối thoại.
Ước tính, lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất đã tiếp nhận 122 tỷ USD hỗ trợ tài chính trong giai đoạn 2008-2018, chiếm 26% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu dành cho tất cả các lĩnh vực.